Tôi dạy toán và chủ nhiệm lớp 5 một trường tiểu học ở Hà Nội. Một lần tôi nhắc nhở một em vốn là học sinh giỏi của lớp là nên tập trung học hành hơn (vì dạo đó em ấy học sa sút, rất hay ngủ gật trên lớp, thi thoảng bùng tiết).
Thế là em ấy khóc từ trường về nhà, chẳng biết nói gì với phụ huynh mà ngay sáng hôm sau tôi đã nhận được lời đe dọa là sẽ tố cáo tôi về tội “làm nhục học sinh trước tập thể lớp”.
Ban giám hiệu thì xạc cho tôi một trận và tôi phải viết bản tường trình rút kinh nghiệm. Đồng nghiệp khuyên tôi nên xin lỗi phụ huynh và em học sinh ấy.
Tôi xin lỗi mà lòng ngậm ngùi thương em học trò ấy vì phụ huynh chưa hiểu gì, không chịu hợp tác với nhà trường để cho con họ bị nghiện game nặng. Sau này phụ huynh ấy mới than thở: “Cũng tại tôi không nghe lời cô, để rồi con hư hỏng lúc nào chẳng hay”.
Nhiều bậc cha mẹ còn đem tiền ra dọa cô giáo. Những dịp 20-11 phụ huynh đưa con đi tặng quà cho giáo viên thì nói kháy để nhắc nhở cô giáo: “Mẹ đã bồi dưỡng cô rồi, con cứ yên tâm học đi, nếu có vấn đề gì về mách mẹ”.
Chính kiểu đem tiền ra để điều khiển giáo viên như vậy cho nên không ít học trò không chịu nghe lời thầy cô, lại còn tỏ ra coi thường thầy cô.
Căng thẳng nhất chính là những buổi họp phụ huynh. Nếu kết quả học tập của con không cao thì phụ huynh sẽ chê trách nghiệp vụ sư phạm của cô giáo kém, không đủ trình độ dạy con họ, khiến con họ từ giỏi thành dốt.
Có phụ huynh còn đập bàn, rồi chỉ tay vào mặt giáo viên trước tập thể phụ huynh khiến tôi thấy rất xấu hổ và nhục nhã. Con họ bị say nắng vậy mà lại đổ lỗi cho nhà trường: “Nếu con tôi có chuyện gì thì nhà trường có đền nổi không?”. Nhiều lúc nghe cách nói của phụ huynh, tôi có cảm giác con họ như những ông vua con vậy.
Có phụ huynh còn yêu cầu cô giáo phải cho con họ ngồi gần quạt nhất (vào mùa hè), ngồi chỗ ấm áp (vào mùa đông) nhưng phải chính giữa bảng, cách bảng đen hợp lý để không hại mắt.
Có phụ huynh yêu cầu cô giáo cho con ngồi ngay bàn đầu trong khi con họ cao lớn nhất lớp.
Có phụ huynh thì tha thiết mong con họ có được chế độ đặc biệt ở lớp, được quan tâm hơn các bạn khác vì lý do: “Nhà tôi chỉ có mỗi cục cưng này thôi”...
Mỗi khi không ưng ý điều gì thì nhiều phụ huynh lại đổ lỗi cho phía nhà trường chưa khoa học, chưa chu đáo. Rồi đặt điều kiện phải đào tạo con họ trở thành “thần đồng”, bao nhiêu tiền cũng không tiếc.
Có một em lực học rất kém được chuyển từ trường khác đến, ngay hôm đầu phụ huynh em đó đã “bán khoán” con cho cô giáo: “Tôi giao cục vàng của tôi cho các cô”.
Nói rồi phụ huynh ấy còn tha thiết: “Tôi cần cô giáo có nghiệp vụ sư phạm giỏi cho con tôi theo học, tiền bạc không thành vấn đề”.
Chính tư tưởng con mình là số 1, con mình là trung tâm nên nhiều bậc cha mẹ đã làm khó giáo viên. Những đòi hỏi vô lý, quá đà, những yêu sách quá trớn khiến giáo viên đứng lớp rất mệt mỏi và luôn phải nhận và đỡ “đòn” trách móc của phụ huynh.
Thay vì phải hợp tác với nhà trường giáo dục con cái thì không ít phụ huynh lại phớt lờ, cứ xem việc mỗi năm đóng vài chục triệu đồng cho nhà trường là xong nhiệm vụ.
Tôi còn nhớ một phụ huynh sau khi đọc xong bảng điểm cuối năm của con thì lớn giọng chỉ trích: “Cô dạy kiểu gì mà con tôi càng học càng dốt thế?”.
Là cha mẹ ai cũng yêu thương con, đều muốn con mình có được một môi trường giáo dục tốt nhất.
Thế nhưng vô hình trung phụ huynh đưa ra những yêu sách vô lý, đôi khi quá đà khiến giáo viên chúng tôi luôn trong tình thế “dở khóc dở cười”.
Không phải riêng tôi mà nhiều đồng nghiệp khác cũng căng thẳng khi phải đối mặt với kiểu đem túi tiền ra điều khiển giáo viên của một số bậc cha mẹ học sinh.
Chỉ mong phụ huynh đừng “tự do quá trớn”...