Các bài viết của giáo viên
(GD&TĐ) - Nhiều thầy cô giáo dạy Văn cho rằng, do ảnh hưởng văn hóa nghe nhìn, học trò thời nay mất dần thói quen đọc sách. Nhất là trẻ em thành phố ít được tiếp xúc với môi trường tự nhiên nên các em viết văn câu cú khô khan, không có cảm xúc. Vì thế, việc ra đề Văn mở trong các kỳ thi vào lớp 10, tốt nghiệp THPT những năm qua được dư luận đánh giá cao.
Một thực tế hiện nay cho thấy, HS rất ngại học Văn. Đặc biệt HS các thành phố lớn nhiều em phải “đánh vật” trước các đề Văn. Những câu văn viết ngô nghê của HS phổ thông không còn là chuyện hiếm gặp trong các nhà trường khi cô giáo trả bài kiểm tra, bài thi.
Là GV dạy Văn với hơn 10 năm trong nghề dạy học cho HS Thủ đô, cô Lê Thủy cho biết: Có em HS tiểu học do rập khuôn học văn mẫu của GV nên rất tự nhiên khi mở đầu bài văn tả ông nội: “Nhà em có nuôi một ông nội”. Có HS khi tả con mèo đã viết: “Nhà em có con mèo, đuôi nó luôn ngoe nguẩy như vòi con voi. Con mèo ngáp để lộ ra cái lưỡi màu hồng đỏ chót”…vv. Có học trò lớp 2, trong giờ học Tập làm văn từng giơ tay xin phát biểu với cô giáo chủ nhiệm: Thưa cô con không thích học Văn. Cô giao cho con bao nhiêu bài tập Toán con cũng sẽ làm hết.
Trong các bài thi ĐH, CĐ hàng năm, trên các phương tiện thông tin truyền thông đăng tải hiện tượng bài văn lạ với những câu văn viết khiến người đọc bật cười. Theo PGS. TS Văn học Trần Thị Trâm (Học viện Báo chí và tuyên truyền): Nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh không thích học Văn thì có nhiều và rất nhiều lần đề cập, có lý do chủ quan và cả lý do khách quan như tại thầy dạy chưa giỏi và ít tâm huyết nên bài giảng Văn dễ bị thiếu lửa. Còn trò không thích học nên thờ ơ, học đối phó.
Ngoài ra còn có cả lý do thời đại. Trong nền kinh tế số, vị trí của Văn chương bị thay đổi, văn hóa đọc đang bị các loại hình thông tin nghe nhìn khác áp đảo, bởi cái mà người đương thời hôm nay quan tâm thường là cái giá trị nhất thời, là những gì hiện hữu mà văn chương luôn hướng tới những giá trị vĩnh hằng.
Nhiều ý kiến cho rằng, HS bây giờ viết Văn ít có cảm xúc, lời lẽ sáo rỗng, thường lệ thuộc vào các bài văn mẫu, xa rời thực tế. Văn học là phản ánh thực tế, nhưng làm thế nào để HS không bị ảnh hưởng của những tiêu cực từ xã hội và đem phản ánh vào văn chương như một hiện tượng phổ biến cũng không phải là chuyện dễ khi văn hóa nghe nhìn lấn át tác phẩm văn học. Khi mà trong thời đại ngày nay, HS thích xem hơn thích đọc.
Học sinh Trường Tiểu học Xuân Chinh đọc sách ở thư viện. Ảnh: Nguyễn Quỳnh |
Coi trọng văn hóa đọc
Muốn học Văn cần có tâm hồn nhạy cảm và đắm say. Muốn có giờ giảng Văn thành công ngoài kiến thức của thầy phải có môi trường đọc sách văn học dành cho HS, SV. Đó là vai trò của các thư viện nhà trường, của gia đình xây dựng tủ sách văn học cho con cái.
Đặc biệt, những năm gần đây, việc ra đề văn mở được dư luận xã hội hoan nghênh. Muốn làm được dạng đề này đòi hỏi HS không chỉ năm được thông tin thời sự mà còn biết lập luận, phân tích, đưa ra quan điểm thuyết phục thầy cô khi chấm bài. Đề thi đã khơi gợi sự tư duy, sức sáng tạo của HS, không chỉ yêu cầu các em tái hiện kiến thức mà còn đòi hỏi phải có sự tìm tòi và sáng tạo thêm.
Thầy cô dạy Văn lâu năm cho rằng chính sự thay đổi trong câu nghị luận xã hội của đề văn mở thực sự là luồng gió mới trong cách ra đề thi. Với cách đưa vào những vấn đề của cuộc sống, đề thi không xuất hiện trong sách giáo khoa nhưng vẫn gần gũi với HS, mang tính giáo dục cao, đòi hỏi HS phải có kiến thức xã hội để vận dụng vào bài làm.
Thầy Hoàng Hùng Quán, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo - TP Bắc Ninh cho biết: Việc đầu tư cho thư viện rất được nhà trường chú trọng. Hiện, với diện tích khoảng 80m2, thư viện của trường đáp ứng được nhu cầu cho 450 HS đang học tập. Số lượng sách tương đối đầy đủ. Kinh phí đầu tư cho thư viện của trường tính theo các đợt, hàng năm có mua bổ sung. Trung bình mỗi năm nhà trường chi 20 triệu cho thư viện, trong đó đặt hàng đầy đủ các ấn phẩm báo chí trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Tôi cho rằng, trong những năm gần đây, việc đề thi Văn tốt nghiệp THPT ra theo hướng đề mở, đề Văn mang tính thời sự xã hội được dư luận đánh giá cao. Dạng đề Văn này bắt buộc các em HS không những phải đọc nhiều sách báo, cập nhật thông tin thời sự trên các phương tiện thông tin đại chúng mà còn phải đưa ra lập luận cá nhân để giải quyết tốt yêu cầu của đề văn mở. Cách ra đề kiểu này sẽ phần nào khơi gợi lại thú đam mê đọc sách cho thế hệ trẻ, nhất là HS, SV ngày nay vốn đang mai một, bỏ quên văn hóa đọc, thầy Quán nhấn mạnh thêm.
Cái khó của chúng ta ngày nay đó là muốn thư viện trường học phát huy hết giá trị của nó, cung cấp đầy đủ thông tin cho cả GV và HS nhưng HS ngày nay không có thói quen đam mê đọc sách. Văn hóa đọc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa nghe nhìn. Để khơi gợi niềm đam mê này, năm nào Trường THPT Trần Hưng Đạo cũng tổ chức tiết học khai bút đầu xuân. HS đươc viết, thể hiện cảm xúc của mình ở các chủ đề, khía cạnh mình muốn, sau đó nhà trường thu thập, biên soạn, đóng thành sách, lưu lại thư viện trường học.
Qua hoạt động này cho thấy, em nào đọc nhiều sách, báo sẽ cảm cảm thụ văn chương tốt hơn. Ngược lại, những em điểm Văn kém hầu hết là do bệnh lười đọc, câu cú diễn đạt ngô nghê, vụng về, thiếu cảm xúc.
Việc phát động phong trào văn hóa đọc cho HS trong trường học ngày nay sẽ rất cần thiết bởi góp phần giảm bớt những câu văn ngô nghê, những bài văn lạ, bài thi điểm kém.
Hoàng Linh
Chưa có bình luận nào cho bài viết này