Tư liệu
Luân chuyển giáo viên, “giãn” học sinh trái tuyến
Nằm ngay cạnh trung tâm TP Đà Nẵng nhưng những năm học gần đây, Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu. Năm học 2013-2014, trường được giao tuyển 6 lớp 1, tuy nhiên chỉ có hơn 150 em nhập học, bố trí đủ 5 lớp học, trong khi trên địa bàn trường có hơn 200 em ở độ tuổi vào lớp 1. Theo cô hiệu trưởng Phan Thị Thu Lan, trường đủ khả năng đáp ứng cho 1.000 học sinh các khối lớp. Nhưng sĩ số toàn trường mỗi năm chỉ trên dưới 500 em. Mỗi năm, trường dư 3-4 phòng học.
Theo một hiệu trưởng trường tiểu học quận Sơn Trà, bài toán luân chuyển cán bộ cần có tiêu chí rõ ràng, công khai, kèm chế độ đãi ngộ phù hợp. Đặc biệt, phải làm cho giáo viên thấy được vai trò, ý nghĩa việc luân chuyển tránh tâm lý ép buộc, không thoải mái, theo kiểu “bị” luân chuyển. |
Cách Trường tiểu học Võ Thị Sáu chưa đầy 3km, những trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, Phù Đổng, Phan Thanh... luôn quá tải, vỡ chỉ tiêu tuyển sinh.
Thống kê sơ bộ tại Trường tiểu học Phù Đổng, trong tổng số gần 3.000 học sinh, có đến hơn nửa là học sinh trái tuyến. Tương tự, các trường tiểu học Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ, tỉ lệ học sinh trái tuyến chiếm đến hơn nửa số học sinh toàn trường. Theo Phòng GD&ĐT quận Hải Châu, tình trạng học sinh trái tuyến, “chạy trường” bằng hộ khẩu... diễn biến phức tạp những năm học gần đây.
UBND TP, ngành giáo dục triển khai nhiều quy định siết chặt vấn đế này. Tại buổi kiểm tra đầu năm học 2013-2014, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đưa ra một trong những giải pháp trọng tâm là luân chuyển giáo viên giỏi để “giãn” học sinh, điều hòa chất lượng giáo viên giữa các trường vùng trung tâm và vùng ven.
Một lớp học tại Trường THCS Trưng Vương.
Trao đổi với Tiền Phong, cô Phan Thị Thu Lan cho hay, lâu nay việc luân chuyển giáo viên tại trường chưa được tiến hành. Đội ngũ giáo viên theo dạng tiếp nhận chứ không luân chuyển. Ông Nguyễn Tiến Khải, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương đồng tình: Trước đây, chỉ có vài trường hợp cán bộ, giáo viên được luân chuyển, hoán đổi về các trường khác, nhưng công tác luân chuyển vẫn chưa được thực hiện thường xuyên. Tại trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà), thầy Lê Quốc Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chưa có giáo viên nào về trường theo diện luân chuyển, có chăng chỉ luân chuyển cấp cán bộ quản lý. Theo thầy Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng trường tiểu học Hải Vân (quận Liên Chiểu), trường có gần 20 cán bộ, giáo viên có thâm niên công tác trên 10 năm, nhưng chưa một lần luân chuyển.
Giáo viên giỏi có đủ sức “hút” ?
Theo Phòng tổ chức Cán bộ (Sở GD&ĐT Đà Nẵng), luân chuyển giáo viên chỉ mới được tiến hành ở một số cán bộ giáo viên công tác ở vùng xa xôi, khó khăn, nay có nguyện vọng về cơ sở mới, gần trung tâm, gia đình. Còn ở mức độ đại trà, phổ biến thì chưa tiến hành. Phòng đang nghiên cứu, lập lộ trình, cách thức luân chuyển giáo viên phù hợp.
Thầy Đặng Thanh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, cho hay, năm học 2014-2015 dự kiến thí điểm triển khai kế hoạch luân chuyển giáo viên theo cụm trường ở bậc THPT, tiến hành đánh giá để có các bước nhân rộng ở các cấp học khác. Qua đó, tạo sự phân phối, điều hòa giữa đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền và tăng sức hút từ giáo viên giỏi.
Theo thầy Lê Văn Nghĩa, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu, phòng trình UBND quận đề án luân chuyển cán bộ, giáo viên các bậc học trên địa bàn, dự kiến thực hiện rộng rãi vào năm học 2014-2015 tới.
Thầy Phan Chánh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê), nhận định: Tình trạng giáo viên chỉ “dạy 1 chỗ” dễ dẫn đến lối mòn, ít năng động, dễ nhàm chán. Trong khi, giáo viên luân chuyển đến cơ sở mới có cơ hội được thử sức, chứng tỏ năng lực, sở trường, tăng tính năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc luân chuyển này nếu không có cách thức, lộ trình thích hợp dễ không đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra. Theo cô Phan Thị Thu Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu môi trường giáo dục rất đặc thù, cần sự ổn định nên việc luân chuyển dễ dẫn đến sự xáo trộn.
Luân chuyển giáo viên để giải quyết bài toán “giãn” học sinh, theo cô Lan, đây chưa phải là giải pháp tận gốc. “Trường từ lâu được công nhận đạt chuẩn quốc gia, có nhiều giáo viên giỏi, đạt thành tích trong các cuộc thi cấp thành phố, cấp sở; 100% giáo viên của trường đều tốt nghiệp các trường ĐH Sư phạm... Nhưng tuyển vẫn thiếu chỉ tiêu do vị trí trường không được thuận lợi. Phụ huynh muốn gửi con em ở những trường gần nơi làm việc, thuận lợi đưa đón, chưa hẳn vì chỗ đó có giáo viên này, giáo viên kia”, cô Lan phân tích.
Cao Chánh Lụt (ST)