Cảm nhận của học sinh
Không được giáo dục lịch sử chu đáo, thế hệ trẻ của chúng ta sẽ rất dễ mất gốc, thờ ơ với vận mệnh dân tộc. Đó là một cảnh báo khi tình trạng học sinh không còn yêu thích môn lịch sử, một môn học có gốc rễ trong giáo dục Việt Nam đang khá phổ biến. Hiện tượng thờ ơ đối với môn lịch sử, tránh né việc học môn lịch sử đã trở thành vấn đề đáng báo động.
Học sử, cũng như các môn xã hội như văn, địa…ngay ở bậc phổ thông đã chịu những thiệt thòi lớn. Thứ nhất: Giỏi lắm thì cũng chỉ dừng lại ở kỳ thi quốc gia, Trong khi đó, nếu giỏi toán, lý, hóa, sinh, tin… các em có thể tiệm cận đến các kỳ thi khu vực, thi quốc tế từ cấp tiểu học. Thứ hai: Nếu học giỏi khối A, B các em có khả năng nhận những học bổng từ vài triệu đồng đến một suất du học trong khi dù có giải quốc gia, học sinh giỏi các môn xã hội luôn chịu thiệt thòi ngay trong việc lựa chọn cấp học bổng, chưa kể sự “lạnh lẽo” của môn học này khi đi xin việc làm. Điều đó dần hình thành những nếp nghĩ tiêu cực về môn học trong học sinh từ rất sớm. Khi vào phổ thông, chọn ngành nghề, các em càng không thích sử. Trong khi đó, môn sử cần được “cất nhắc” để trở thành môn học chính.
Theo những người thầy có tâm huyết với ngành, nguyên nhân dẫn đến thực trạng “ghét học sử” có thể kể đến 4 lý do: Thứ nhất, sách giáo khoa lịch sử quá nặng về kiến thức, thiếu sinh động trực quan, thiếu khoa học. Thứ hai, một bộ phận giáo viên dạy sử chưa đủ tâm huyết với nghề, chưa truyền thụ được sự đam mê cho học sinh. Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo từ lâu cho rằng môn sử là một môn phụ. Thứ tư, xã hội thờ ơ với ngành sử, dẫn đến sinh viên chuyên sử ra trường khó có việc làm. Trên thực tế, các kỳ thi có sự xuất hiện của môn lịch sử đều khiến học sinh cảm thấy nặng nề với khối lượng kiến thức đồ sộ, dẫn tới thực trạng “học vẹt”, “học thuộc lòng” chứ không tạo nên sự say mê. Từ nguyên nhân sâu xa đó, học sinh định hướng ngành sử thường là do không đủ khả năng thi vào các ngành khác. Rất ít học sinh đến từ niềm đam mê được truyền thụ từ những người thầy, người cô dạy sử tâm huyết...
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có người yêu môn lịch sử, say mê và tự hướng mình gắn bó với ngành khoa học đòi hỏi sự hy sinh rất thầm lặng. Nguyễn Ngự Giao (Tốt nghiệp xuất sắc ngành sử, khóa 2009-2013, Đại học Khoa học Huế) tâm sự: “Tôi đã từng là một sinh viên ngành lịch sử. Tôi may mắn được học ở một khoa có bề dày thành tích với một đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm. Khóa chúng tôi gồm gần 120 sinh viên, dưới sự dẫn dắt, chỉ dạy tận tình của thầy cô, cộng với lòng đam mê vốn sẵn, sau 4 năm học, chúng tôi đã tiếp thu một lượng kiến thức hữu ích, khả năng nghiên cứu khoa học cùng với bầu nhiệt huyết của những sinh viên trẻ trung. Dù, khi tốt nghiệp, tôi và các bạn thật sự băn khoăn vì một thực tế: Môn lịch sử chưa được xã hội xem trọng”.
Ngày 30/3/2013, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền (Tp Hồ Chí Minh) đồng loạt xé đề cương ôn thi lịch sử sau khi nghe tin chính thức Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo môn thi lịch sử không được chọn là môn thi tốt nghiệp THPT. Từ sự kiện đáng buồn này, Giao bộc bạch: “Những năm qua, tại Khoa Sử của trường tôi, số lượng sinh viên thi đầu vào ngày càng giảm, dù đã tuyển đến nguyện vọng 3. Tôi nhớ, năm 2005, khi chuẩn bị thi chuyển cấp lên lớp 10, các bạn (trong đó có cả tôi) đều chọn thi vào ban A hoặc ban B chỉ vì một trong những lý do chính: Ban C có môn lịch sử. Vừa rồi, một người bác hỏi cháu học ngành gì, thì bắt gặp cái nhìn băn khoăn khi nghe hai chữ “lịch sử”. Đó chỉ là những ví dụ nhỏ cho thấy thực trạng của việc học lịch sử hiện nay.
Bản thân tôi không phải là ngoại lệ, khi đến với môn sử do cơ duyên chứ không phải một dự định ấp ủ. Trong kỳ thi vượt cấp, tôi cùng đa số các bạn trong lớp, chọn ban khoa học tự nhiên, nhưng rồi tôi thi rớt ở cả hai trường Quốc Học và Hai Bà Trưng và rơi thẳng vào… ban C Trường bán công Nguyễn Trường Tộ. Với tâm trạng không hề hồ hởi với môn học, nhưng rồi may mắn đã mỉm cười khi chúng tôi gặp được một người thầy dạy sử tuyệt vời. Con đường đến với môn sử của tôi bắt đầu từ thời điểm đó. Mỗi tiết giảng của thầy giáo bao trùm với không khí vui nhộn và hài hước. Và, mỗi giờ học với thầy chúng tôi trông ngóng một sự mới mẻ, sinh động của những nhân vật, của những mốc lịch sử mà quên đi những câu chữ khô khan trong sách giáo khoa. Thầy truyền cho tôi một niềm đam mê; tôi tự định hướng bản thân theo một con đường mới. Tôi xem đó là một ngọn lửa. Ngọn lửa do chính tôi tạo ra nhưng được hun đúc từ các thầy cô dạy sử của ngôi Trường Nguyễn Trường Tộ và tôi trở thành sinh viên Khoa Sử - Trường đại học Khoa học một cách tự nguyện. Chính sự tự nguyện ấy đã đem đến cho tôi những thành công trong học tập và cho tôi niềm đam mê hơn với môn khoa học tuyệt vời này. Đôi khi tôi tự hỏi, nếu không có những người thầy, người cô tâm huyết với nghề như thầy giáo dạy sử ở ngôi trường Nguyễn Trường Tộ thì liệu tôi sẽ đi về đâu. Và đã có bao nhiều học sinh không may mắn gặp được một nhà sư phạm giỏi để mãi mãi không biết trong mình sử học là một niềm đam mê, một ngành khoa học sang trọng và uyên bác.”
Không thể phủ nhận là việc học sử hiện nay đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng về ý thức và hiện tượng “ghét học sử”, những điểm “0” môn sử xuất hiện liên tục trong các kỳ thi cũng như hành động xé đề cương sử trước kỳ thi tốt nghiệp là hệ quả tất yếu của một hệ thống giáo dục lịch sử còn nhiều bất cập. Nên chăng Bộ GD&ĐT phải có những giải pháp, mà trước hết là thay đổi sách giáo khoa theo hướng giản lược kiến thức và tăng khả năng minh họa trực quan. Hy vọng trong tương lai gần, môn lịch sử sẽ lấy lại được vị thế xứng đáng của mình.
`Đã đến lúc cần nhìn thấy chức năng của môn học này không phải chỉ trang bị một số kiến thức lịch sử mà còn có ý nghĩa lớn lao là bồi dưỡng tinh thần dân tộc, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trân trọng các giá trị lịch sử văn minh nhân loại. Kết quả giáo dục môn sử ở phổ thông cho thế hệ trẻ là góp phần hình thành tri thức làm hành trang cho mỗi người trong suốt cả cuộc đời...
Hiện nay, môn sử chưa được đặt đúng vị thế trong nền giáo dục phổ thông. Trong khi đó, chế độ thi cử nặng nề đã tác động mạnh đến động cơ học tập của học sinh theo hướng tiêu cực. Học sinh không ghét bỏ môn sử mà không thấy giá trị thật của môn học.
Hương Giang
Chưa có bình luận nào cho bài viết này