Vinh danh “Tài năng khoa học trẻ” dành cho sinh viên 2013
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng các sinh viên đoạt giải nhất
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi lễ |
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam Đặng Vũ Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý và Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong cùng tham dự và trao giải.
Đơn vị đăng cai tổ chức là Viện Đại học mở Hà Nội, cũng là trường có sinh viên vinh dự giành giải nhất trong mùa giải 2013 này.
Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên được tổ chức hàng năm nhằm biểu dương thành tích xuất sắc của sinh viên trong nghiên cứu khoa học, động viên khích lệ sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ, nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường. Đó là mục tiêu mà Bộ Giáo dục & đào tạo hướng đến qua việc tổ chức Giải thưởng "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam".
Qua 23 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” trước kia và nay là Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” đã thực sự trở thành một trong những sân chơi khoa học lớn nhất và uy tín nhất của sinh viên các trường đại học, được toàn thể sinh viên trong cả nước hưởng ứng nhiệt tình, tham gia tích cực với lòng nhiệt huyết, say mê và sức sáng tạo của tuổi trẻ.
Giải thưởng là sự ghi nhận thành tích trong nghiên cứu khoa học của các em sinh viên, là niềm động viên, khích lệ các em tự tin và khẳng định mình trong quá trình học tập ở nhà trường. Tôi mong rằng, những kết quả đạt được này sẽ là tiền đề để các em tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học nhiều chông gai và thử thách, trở thành các nhà khoa học uy tín trong tương lai, đóng góp tài năng và trí tuệ cho sự phát triển của đất nước.
Thứ trưởng Trần Quang Quý và Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong trao giải cho các sinh viên đoạt giải nhì |
Kế thừa truyền thống giải thưởng “sinh viên nghiên cứu khoa học”, “Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2013 đã trao tổng số 211 đề tài/302 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên thuộc 12 nhóm ngành gửi tham gia xét giải; trong đó có 10 giải Nhất, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng/đề tài; 27 giải Nhì, mỗi giải 3 triệu đồng/đề tài; 72 giải Ba, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng/đề tài; 102 giải khuyến khích, mỗi giải 1 triệu đồng/đề tài.
Bộ trưởng Bộ KH&CN và Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam trao bằng khen cho các nhà trường |
Đây là những thành tựu lớn trong bối cảnh ngành GD&ĐT cả nước đang triển khai mạnh mẽ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó đổi mới hoạt động KH&CN trong nhà trường đại học nói chung, nghiên cứu khoa học của sinh viên nói riêng được coi là một trong những giải pháp quan trọng để đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, chất lượng Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm nay khá tốt, Giải thưởng đã quy tụ được khá nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên có tính đổi mới, sáng tạo, có nội dung phong phú và có khả năng triển khai ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Nhiều sinh viên đã có các công bố khoa học từ kết quả nghiên cứu của đề tài được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế hay sản phẩm đề tài được áp dụng vào thực tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhiệt liệt biểu dương những khẳng định Đảng, Chính phủ luôn xác định giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nhân tố quyết định để phát huy tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam, là động lực quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế thành công, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Những công trình nghiên cứu của các sinh viên đã cho thấy, hoạt động giảng dạy ở nhà trường không còn thụ động ở truyền tải lý thuyết mà đã gắn sinh viên với các hoạt động thực hành một cách thiết thực và hữu ích.
Qua hoạt động nghiên cứu khoa học, từng trường ĐH, CĐ đã phát hiện ra những tài năng tiềm ẩn và cả những tài năng đang thực sự bộc lộ.
Đây là nguồn nhân lực rất cần thiết cho nền khoa học nước nhà. Trong sự phát hiện tài năng và thành công của sinh viên có sự đóng góp không nhỏ của các thầy, cô giáo, nhà nghiên cứu khoa học.
Bộ trưởng cũng yêu cầu để hoạt động nghiên cứu khoa học ở các nhà trường hiệu quả hơn nữa cần phải có sự chuyển hướng trong phương pháp giảng dạy. Sự chủ động của người học trở thành trung tâm đào tạo và người thầy chuyển từ vai trò truyền thụ sang hướng dẫn.
Trước kia, giáo dục chủ yếu "nặng truyền kiến thức từ thầy sang trò" và ngày nay, chúng ta ưu tiên "hình thành năng lực, phẩm chất học sinh, sinh viên".
Để thực hiện mục tiêu đó, có hai việc cần làm ngay: Đầu tiên là chuyển từ học thụ động sang tự học có sự hướng dẫn của giáo viên. Tiếp đến là hỗ trợ học sinh, sinh viên có tác phong, kỹ năng nghiên cứu cần thiết, trong đó có tác phong, kỹ năng nghiên cứu khoa học.
Niềm vui của sinh viên Đỗ Duy Hiếu khi nhận bằng khen và hoa chúc mừng của Phó Chủ tịch nước và Bộ trưởng |
Tại lễ tuyên dương, bạn Đỗ Duy Hiếu, đoạt giải Nhì “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2013 cho biết: Giải thưởng là sân chơi bổ ích và lý thú để các sinh viên phát huy trí tuệ, tài năng và niềm đam mê với khoa học. Thông qua đó, các em được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và trưởng thành nhiều về mọi mặt.
Đỗ Duy Hiếu mong muốn, những đề tài, công trình đoạt giải tiếp tục nhận được sự quan tâm của các ban, ngành để các tài năng trẻ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa nhằm ứng dụng thực tiễn vào cuộc sống.
Dĩ Hạ