Tin tức giáo dục
Công nghệ thông tin “phủ sóng” trường nghèo
(GD&TĐ) - Trong những năm gần đây, Phú Ninh, Quảng Nam thực thi chương trình xây dựng nông thôn mới của một huyện điểm quốc gia. Dẫu điệp trùng gian khó, lãnh đạo các cấp vẫn luôn xác định mục tiêu đầu tư cho sự nghiệp trồng người. “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (UDCNTT) trong công tác giáo dục” được xác định là nhiệm vụ quan trọng để đổi mới phương pháp dạy học và quản lí. Vì thế công nghệ thông tin (CNTT) đã được phủ khắp mạng lưới trường học trung học cơ sở (THCS).
GV được tập huấn với công nghệ mới |
Cái khó “ló” cái hay : Hành trình để đi đến với công nghệ mới này vẫn lắm gian nan. Huyện nông thôn nghèo mà kinh phí mua sắm trang thiết bị lại không nhỏ. Hệ thống điện mạng ở một vài nơi không ổn định; các thiết bị đi kèm còn thiếu. Công tác bảo trì, bảo dưỡng cũng gặp không ít trở ngại…
Từ năm 2007 - 2013, CNTT đã dần dần thổi vào một luồng sinh khí mới trong dạy - học. Thầy Trưởng phòng GD Phú Ninh (Quảng Nam) Hồ Đắc Thiện, trong hội nghị cấp Phòng năm 2013, khi đánh giá về phong trào này trong 5 năm qua đã tổng kết bằng những con số biết nói: “Chín trường THCS đều đã mua sắm 1 - 2 máy chiếu projector, xây dựng 1 phòng nghe nhìn, 1 phòng vi tính (trang bị 25 máy tính và năm nay, đầu tư mua sắm thêm 10 máy mới). Riêng các lớp chất lượng cao có ti vi màn hình rộng và phòng tin, phòng lab trang bị hiện đại. Tổng kinh phí cho hoạt động này là gần 3 tỉ đồng”.
Không những thế, công tác nâng cao nhận thức cho CB, GV, bồi dưỡng kỹ năng UDCNTT được các cấp lãnh đạo rất chú trọng. “Mưa lâu thấm đất”, nhiều thầy cô từ chỗ không biết gì về máy tính nay đã có thể truy cập mạng, soạn thảo giáo án trên phần mềm Microsoft Office Word và phần mềm Microsoft Office PowerPoint.
Ngân hàng dữ liệu khổng lồ và đa dạng đã làm cho nguồn học liệu mở càng được cập nhật, bổ sung, có chất lượng. Hầu hết các trường còn sử dụng các phần mềm tính điểm, quản lí điểm – nhờ vậy các thầy cô có thêm điều kiện về thời gian để đầu tư cho chuyên môn.
Mặc khác, các cuộc thi GV giỏi UDCNTT từ cấp trường đến cấp huyện được tổ chức bài bản, qui mô, sâu rộng, thiết thực, tạo thêm chất men kích thích lòng yêu nghề đã thắp sáng niềm tin cho người dạy từ những tiết học đầy hứng thú.
Dẫu không tiên phong, rầm rộ, bề dày như một số huyện bạn nhưng Phú Ninh cũng đã khẳng định mình ở 3 giải cấp tỉnh trong Hội thi “Soạn kế hoạch bài dạy UDCNTT” năm 2012 do VVOB tổ chức. Từ đó, các tiết dạy tiêu biểu có sử dụng phần mềm Photo story, Mindmap, Hot potatoes… một cách linh hoạt sáng tạo phát huy các PP dạy học tích cực ngày càng được nhân rộng.
Lợi ích đối với thầy và trò quả không ít. Ở nhiều tiết dạy đòi hỏi phương tiện dạy học hỗ trợ, thầy cô không phải mang bảng phụ, tranh ảnh cồng kềnh. Bài giảng chuyển tải được nhiều nội dung kiến thức, cập nhật được những thông tin thời sự, tạo hình ảnh trực quan sinh động, tính thực hành được tăng cường, tổ chức các hoạt động “chơi mà học”, “học mà chơi” hấp dẫn, cuốn hút, bổ ích… GV làm chủ các PP dạy học tích cực: Sử dụng phương tiện, sơ đồ, bảng biểu, đặt và giải quyết vấn đề… HS hứng thú chủ động tìm kiếm tri thức làm chủ quá trình học tập không ngừng.
Tuy nhiên cái hay còn là các thầy cô giáo qua trải nghiệm trong thực tế đã thêm yêu CNTT và già dặn hơn về chuyên môn. Thầy Ca Viết Hoàng - GV cốt cán của huyện - rất hào hứng: “Dạy môn Địa cần nhiều sơ đồ bản đồ, tranh ảnh nên CNTT là nhất nhất”. Thầy Phan Thy Hiến, giáo viên Toán dạy các lớp chất lượng cao thì tâm sự: “Không phải tiết nào cũng ứng dụng tốt.
Vì ở môn này cần cho HS thực hành nhiều, mình phát hiện cái sai để sửa chữa trên chính lời giải của các em”. Nếu cứ trình chiếu kết quả thì kĩ năng giải toán của các em dễ bị thui chột”.
Còn ở môn Ngữ văn, nhiều kinh nghiệm được đúc kết: Sử dụng ở mức độ cần và đủ tránh lạm dụng ở các giờ dạy văn bản (giới thiệu tranh chân dung tác giả, hình ảnh tác phẩm, đoạn băng minh họa, sơ đồ tư duy…), dạy lí thuyết Tiếng Việt, Tập làm văn (đưa ngữ liệu cho HS tìm hiểu qui nạp kiến thức, đưa nội dung luyện tập) và phát huy tối đa ở các giờ dạy Ôn tập (cần hệ thống sơ đồ, bảng biểu).
Trong máy bàn, máy tính xách tay tự mua sắm của mỗi thầy cô đã mang biết bao niềm đam mê với nghề với CNTT ở từng trang giáo án từ giờ lên lớp.
Một tiết học ứng dụng CNTT |
Khát khao cái mới, hướng tới tương lai: Thật phiến diện nếu chỉ đánh giá kết quả việc UDCNTT trong dạy học của Phú Ninh qua những con số ngày càng tăng: Lên lớp, phong trào mũi nhọn hay thi vào trường chuyên. Bởi cái chính là nó đã thể hiện sự nỗ lực vươn lên không ngừng của sự nghiệp giáo dục ở một vùng quê còn lắm những lo toan, phát huy hết những khả năng tiềm tàng của những kĩ sư trồng người ở mọi hoàn cảnh, nhiệm vụ, mọi độ tuổi và góp phần vào việc đào tạo lớp trẻ năng động, sáng tạo có khả năng làm chủ cuộc sống trong thời đại công nghệ, khoa học, tri thức.
Bước vào năm học 2013 - 2014, sau khi cán bộ quản lí cùng đội ngũ GV cốt cán THCS của huyện được thầy giáo Lương Mạnh Kha - rất nhiệt tình và giỏi chuyên môn - tập huấn về nội dung: UDCNTT trong quản lí trường học, các trường trong huyện đều tổ chức tập huấn lại.
Thế là, ai ai cũng hào hứng khi được biết thêm về việc lập nhóm gmail, lập kế hoạch dạy học trên google lịch, sử dụng Google drive lưu trữ và chuyển tải tài liệu làm phiếu khảo sát đa chiều, sử dụng phần mềm thiết kế sơ đồ tư duy mới Mindjet Mind Manager rất hiện đại, tiện ích, thiết kế trò chơi ô chữ ở phần mềm Olympia Crossword 4.0 tiện dụng nhất...
Đi đầu là THCS Nguyễn Hiền, BGH trường chỉ đạo GV dạy các lớp chất lượng cao ứng dụng “cái mới” ngay bằng việc sử dụng Google drive làm phiếu khảo sát điều tra nắm bắt tình hình học tập bộ môn để có những hướng điều chỉnh dạy học thích hợp.
Các thầy cô dạy Ngữ văn thiết kế sơ đồ tư duy từ phần mềm Mindjet MindManager để bồi dưỡng HS giỏi hiệu quả hơn. Từ thầy truyền cho trò, học sinh cũng tự thiết kế được các trò chơi ô chữ nhanh chóng chỉ trong vòng vài phút để tổ chức các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp hào hứng sôi nổi.
Việc UDCNTT vào dạy học ở một vùng nông thôn Phú Ninh còn nhiều khó khăn cần khắc phục nhưng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp lãnh đạo của mỗi thầy cô giáo, trong tương lại gần, chắc chắn việc UDCNTT trong nhà trường THCS sẽ nâng lên một bước mới về lượng lẫn chất – đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp trồng người.
Nguyễn Thị Bích Trâm
(Giáo viên Trường THCS Nguyễn Hiền - Phú Ninh – Quảng Nam)
Số lượt xem : 352
Chưa có bình luận nào cho bài viết này