In trang

Đừng để học sinh bị áp lực vì bài kiểm tra
Cập nhật lúc : 12:00 26/02/2014
Ai cũng biết muốn kiểm tra kết quả dạy của thầy và học tập của trò thì giáo viên phải cho học sinh (HS) làm bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Tuy nhiên, số lần kiểm tra quá nhiều có khi sẽ phản tác dụng vì HS không thể nào học nổi.

Tôi có con trai đang học lớp 8. Ăn tết vừa xong, tôi thấy con trai cứ tất bật học suốt ngày. Tôi hỏi thì con trai nói: “Trong ngày thứ ba con phải làm bài kiểm tra hai môn ngữ văn và sinh học. 

Hôm sau, tức thứ tư, con làm bài kiểm tra ba môn gồm hóa học, toán và ngữ văn”. Tôi hỏi: “Nghĩa là trong hai ngày con phải làm đến năm bài kiểm tra?”. 

Con trai tôi đáp: “Đúng vậy đó cha. Với môn ngữ văn, kiểm tra ngày thứ ba làm tập làm văn, còn thứ tư kiểm tra 15 phút”.

Nghe con nói vậy, tôi thật sự thấy lo âu. Làm sao con tôi có thể làm bài đạt chất lượng cao khi trong hai ngày phải làm năm bài kiểm tra? 

Đáng nói là ngày thứ tư con tôi phải làm bài kiểm tra liên tục vào tiết 3, tiết 4 và tiết 5 với ba môn là hóa học, ngữ văn và toán. 

Khổ nhất là ngày thứ hai và thứ ba, con tôi lại đi học cả ngày vì buổi sáng học chính khóa, còn buổi chiều học phụ đạo môn ngữ văn. 

Với số lượng bài kiểm tra dồn dập thế này, lại đi học cả ngày nên buổi tối con tôi mệt mỏi và buồn ngủ. Con tôi rất muốn học bài nhưng đôi mắt không thể mở được. 

Bất đắc dĩ cháu đành ngủ sớm và 4 giờ sáng dậy học bài. Dù cố gắng rất nhiều nhưng do lực bất tòng tâm nên bài kiểm tra môn nào con tôi cũng làm thiếu. 

Tôi rất buồn vì thấy con học vất vả nhưng kết quả không như ý muốn.

Tôi đang chủ nhiệm lớp 7, hôm nay khi mở máy vi tính nhập điểm cho HS, nhìn lại số cột kiểm tra của một HS lớp 7, tôi thật sự sửng sốt. Trong học kỳ 1, một HS lớp 7 học tất cả 13 môn, tính luôn môn tin học và những môn xếp loại như thể dục, mỹ thuật, nhạc. 

Tôi tổng kết số cột kiểm tra 15 phút của cả 13 môn thì có 27 cột kiểm tra, bài kiểm tra một tiết có 24 cột điểm, bài thi học kỳ có 13 cột điểm. 

Như vậy nếu tính tổng số bài kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ thì một HS lớp 7 phải làm 64 bài kiểm tra. Trong đó môn ngữ văn có nhiều cột kiểm tra nhất. 

Học kỳ 1 có 19 tuần. Như vậy nếu tính bình quân thì mỗi tuần một HS phải làm hơn ba bài kiểm tra. Một HS lớp 8 hay lớp 9 thì số cột kiểm tra còn nhiều hơn vì các em có học thêm môn hóa học. 

Đó là chưa kể hằng ngày các em phải học bài để kiểm tra bài cũ.

Trong quá trình dạy học, đã nhiều lần HS tôi dạy cũng than vì có khi trong một ngày các em phải làm bài kiểm tra hai hay ba môn. Các em thật sự quá tải khi bài kiểm tra quá nhiều trong một buổi học.

Nếu ngày kiểm tra môn toán trùng với nhiều bài kiểm tra khác thì tôi đành chuyển sang kiểm tra vào ngày khác để các em không bị quá tải.

Ai cũng biết muốn kiểm tra kết quả dạy của thầy và học tập của trò thì giáo viên phải cho học sinh (HS) làm bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ. 

Tuy nhiên, số lần kiểm tra quá nhiều có khi sẽ phản tác dụng vì HS không thể nào học nổi.

Có thể khẳng định số cột kiểm tra thường xuyên và định kỳ hiện nay ở bậc trung học cơ sở là quá nhiều. Khi kiểm tra nhiều thì HS học hành mệt mỏi. 

Các em HS khá giỏi còn cố gắng học, những HS yếu kém thì đa số không học mà chỉ mong vào lớp xem bài của bạn. 

Như vậy kiểm tra nhiều lần hầu như không giúp HS khắc sâu kiến thức.

Ở bậc tiểu học, HS không làm bài kiểm tra thường nên khi lên lớp 6, các em thấy sợ khi làm bài kiểm tra liên tục. 

Sự thay đổi quá đột ngột về kiểm tra ở hai cấp học làm HS hụt hẫng. 

Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm chất lượng giáo dục ngày càng giảm sút.

Mong sao các cấp lãnh đạo ngành giáo dục cần giảm bớt số cột kiểm tra của HS, có như vậy các em mới không thấy việc kiểm tra là nặng nề và quá tải. 

Các em sẽ hứng thú hơn khi làm bài kiểm tra, nhờ vậy bài kiểm tra đạt điểm cao hơn. Đây là điều cần thiết để giúp các em ngày càng say mê học tập.

Theo Nguyễn Thành Dũng
tuoitre.vn