Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 75/2014/QH13 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIII, Chính phủ trình Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết mới về chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận báo cáo Quốc hội tóm tắt nội dung cơ bản của Đề án:
- Cơ sở xác định nguyên tắc và nội dung đổi mới chương trình và sách giáo khoa;
- Nguyên tắc đổi mới chương trình và sách giáo khoa;
- Nội dung đổi mới chương trình và sách giáo khoa;
- Nhiệm vụ và giải pháp;
- Khái toán kinh phí thực hiện Đề án;
- Tổ chức thực hiện.
Đáng chú ý, nội dung tờ trình đưa ra phần kinh phí thực hiện xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa và thẩm định chương trình và sách giáo khoa: 462 tỷ đồng.
- Phần kinh phí này để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình và sách giáo khoa (bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa); xây dựng, thẩm định chương trình; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; thẩm định sách giáo khoa (dự kiến 4 bộ); nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới; đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình; tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kĩ thuật tập huấn qua Internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng dự toán bổ sung phần kinh phí hỗ trợ việc triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới là: 316,8 tỷ đồng.
Phần kinh phí này để thực hiện các nhiệm vụ: Biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp tài liệu tập huấn và tài liệu giáo dục của địa phương cho giáo viên; ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh họa theo chương trình mới; cung cấp đĩa ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh hoạ cho giáo viên vùng khó khăn (khoảng 30% tổng số giáo viên toàn quốc); công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc tập huấn giáo viên.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án: 778,8 tỷ đồng. Trong đó:
- Phần kinh phí Ngân sách Trung ương: 504,4 tỷ đồng
- Phần kinh phí Ngân sách địa phương: 274,4 tỷ đồng