In trang

Cử tri tâm đắc với những đổi mới của ngành Giáo dục
Cập nhật lúc : 09:34 28/10/2014

GD&TĐ - Những đổi mới của ngành Giáo dục trong thời gian qua đã được đông đảo cử tri trong và ngoài ngành quan tâm, ủng hộ. Hầu hết các ý kiến cho rằng, đổi mới giáo dục là tất yếu và phù hợp với thực tiễn khác quan hiện nay.

Nguyễn Nguyệt Nga – Giáo viên Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội): Sinh khí mới từ những chủ trương đổi mới của ngành

 Cử tri Nguyễn Nguyệt Nga

Là một cử tri trong ngành Giáo dục tôi hoàn toàn ủng hộ với những quyết sách, những chủ trương đổi mới của ngành Giáo dục trong thời gian qua. 

Những những đổi mới đó đã tác động tích cực đến đội ngũ giáo viên chúng tôi. Chúng tôi thấy yêu nghề hơn, tự hào hơn về nghề mà mình đã chọn.

Hơn lúc nào hết, chúng tôi hiểu rằng phải không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc để cùng chung tay, góp sức với sự nghiệp đổi mới của giáo dục nước nhà.

Trong tất cả những chủ trương, chính sách đổi mới của Ngành, tôi đặc biệt ấn tượng và tâm đắc với chủ trương một kỳ thi THPT Quốc gia.

Kỳ thi “2 trong 1” này đã mang lại luồng gió mới cho học sinh và giáo viên chúng tôi. Cả cô và trò đã không còn áp lực bởi thi cử, giáo viên hăng say làm việc, học trò vui vẻ đến trường. Cách học và cách dạy cũng từ đó đã thay đổi tích cực.

Theo đó tôi quan tâm tâm phát triển năng lực của học sinh, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Ví dụ từ một bài văn về tình bạn, tôi muốn các em xây dựng được những tình bạn tốt để giúp nhau trong học tập và cuộc sống. Song trên hết là cách ứng xử có văn hóa với bạn bè và những người xung quanh.

Với những gì đã và đang diễn ra tôi tin rằng, những đổi mới của ngành Giáo dục sẽ thành công và được cả xã hội đón nhận.

 Ngành Giáo dục đang đổi mới hướng tới phát triển năng lực toàn diện của người học

Dương Văn Nam – Giáo viên Vật lý Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội): Cảm động trước sự quan tâm, đổi mới của Ngành

Là một giáo viên và cũng là một cử tri, tôi nhận thấy thời gian qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực không ngừng và có nhiều đổi mới. Ai cũng biết, nói thì dễ nhưng làm mới khó. 

Vậy mà Bộ GD&ĐT đã không ngần ngại đương đầu với những khó khăn, với dư luận của xã hội quyết tâm thực hiện những chủ trương, chính sách có lợi cho Giáo dục nước nhà.

Điều khiến tôi cảm động đó là: Thời gian Bộ đã có nhiều chính sách quan tâm, ưu đãi đến đội ngũ giáo viên chúng tôi. Ngoài chế độ phụ cấp đứng lớp, chúng tôi đã được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Với giáo viên vùng khó còn được hưởng phụ cấp thu hút, phụ cấp lâu năm…

Đặc biệt, đội ngũ giáo viên mầm non đã được hưởng các chế độ chính sách như một viên chức. Chỉ chừng ấy thôi chúng tôi cũng đã cảm nhận được sự quan tâm, lo lắng và trăn trở của Ngành đối với đội ngũ nhà giáo. Và cho đến giờ phút này, tôi chưa một lần hối hận khi trở thành một nhà giáo.

Nguyễn Thị Phương – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nậm Cắn 1 (Kỳ Sơn, Nghệ An): Đổi mới phù hợp với thực tiễn khách quan

Cử tri Nguyễn Thị Phương

Tôi cho rằng những đổi mới của ngành Giáo dục trong thời gian qua vô cùng hữu ích cho giáo dục. Chỉ tính riêng ở bậc tiểu học, gần đây nhất Bộ đã ban hành Thông tư số: 30/2014/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học.

Sự đổi mới lần này không chỉ đội ngũ giáo viên chúng tôi mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng mong chờ từ lâu, bởi trước đó chúng ta đánh giá bằng điểm số gây áp lực và ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ.

Điều đáng nói là chủ trương này đã tác động tích cực đến việc dạy và học ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như Nậm Cắn. Không áp lực về điểm số nên tỷ lệ chuyên cần của học sinh đã đầy đủ hơn rất nhiều.

Vì vậy tôi cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Lầu Bá Thái - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An): Tâm đắc với chủ trương đổi mới của Ngành

Ông Lầu Bá Thái - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn

Chưa khi nào tôi thấy ngành Giáo dục lại đổi mới mạnh mẽ như giai đoạn này. Những đổi mới của Ngành sẽ giúp con em chúng tôi được phát triển toàn diện và thực sự là trung tâm của lớp học, trường học.

Tôi rất tâm đắc với chủ trương đổi mới lần này của Ngành trong đó có việc chuyển hẳn từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực toàn diện cho người học. 

Như vậy, con em chúng tôi ngoài việc được học những kiến thức cơ bản còn được trang bị những kỹ năng mềm, được giáo dục hành vi, lối sống và được khẳng định chính mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 

Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với học sinh vùng dân tộc, bởi từ trước tới nay, học sinh dân tộc rất yếu về những kỳ năng mềm, kỹ năng giao tiếp... Khắc phục được điều này, tôi tin rằng khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền sẽ được rút ngắn .

Đây là một chủ trương mới và hoàn toàn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, vì thực tế trước đây cho thấy, học sinh, sinh viên của nước ta rất giỏi về lý thuyết nhưng lại yếu về thực hành. 

Vì thế tôi cho rằng, với quan điểm của Bộ GD&ĐT là “phát triển năng lực toàn diện cho người học” sẽ khắc phục được hạn chế nêu trên.

Tôi cũng mong muốn mọi người không nên đứng ngoài cuộc mà hãy chia sẻ với ngành Giáo dục, chung sức, chung lòng với sự nghiệp đổi mới của Ngành, để giáo dục nước nhà thực sự phát triển và đáp ứng với xu hướng phát triển của thời đại.

Minh Phong (ghi)