In trang

Bài tuyên truyền bệnh phong
Cập nhật lúc : 21:22 31/01/2018

PHÒNG GD-ĐT PHONG ĐIỀN

TRƯỜNG THCS ĐIỀN HẢI

 

 

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ BỆNH PHONG

 

1. Khái niệm về bệnh phong:

- Bệnh phong là bệnh nhiễm trùng mãn tính. Bệnh không gây chết người nhưng dẫn đến tàn tật nếu bệnh được phát hiện muộn, điều trị không đúng cách.

2. Đường lây truyền:

- Bệnh phong lây truyền trực tiếp từ người sang người. Mầm bệnh (vi trùng) thải ra từ dịch tiết của bệnh nhân phong qua đường hô hấp và vết thương ở da.

- Người lành nhiễm phải mầm bệnh chủ yếu qua vùng da bị thương tích và đường hô hấp.

- Bệnh phong có tỷ lệ lây nhiễm rất thấp, bởi vì:

+ Đối với người có sức đề kháng tốt thì cơ thể có khả năng tiêu diệt mầm bệnh, không bị bệnh.

+ Đối với người có sức đề kháng kém, có điều kiện sống thiếu thốn, nhà ở chật hẹp, ẩm ướt, thiếu ánh sáng, thiếu vệ sinh ... thì dễ nhiễm bệnh.

+ Đối với bệnh nhân phong có thể dùng thuốc điều trị cắt đứt nguồn lây ngay ở lần uống đầu tiên, do đó trong điều trị không cần cách ly.

3. Đặc điểm lây lan trong bệnh phong:

- Lây ít so với các bệnh nhiễm trùng khác

- Lây chậm, thời gian ủ bệnh dài, trung bình là 2-3 năm, có khi 10-15 năm, thậm chí lâu hơn

- Khó lây

- Có thể cắt đứt nguồn lây nhanh chóng

4. Triệu chứng của bệnh phong:

- Độ tuổi và giới dễ mắc bệnh:

+ Tuổi hay bị mắc bệnh khoảng 15-35 tuổi nhưng có thể bị gặp ở dưới 15 tuổi hay hơn 35 tuổi.

+ Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ.

- Người mắc bệnh phong, cơ thể có một trong các biểu hiện sau:

+ Có vùng da thay đổi màu sắc (nghĩa là vùng da đỏ, thâm hoặc trắng) bằng với mặt da, trên vùng da đó có rối loạn cảm giác (nghĩa là mất cảm giác đau, mất cảm giác nóng lạnh, mất cảm giác sờ mó), hoặc có cảm giác tê bì, kiến bò.

+ Có thể có biểu hiện của tổn thương thần kinh ngoại biên như:

Yếu cơ, mỏi cơ: có cảm giác đầu chi bị yếu khi cầm viết, phấn, đũa ăn, cài áo khó khăn hoặc không được.

Liệt cơ: liệt không cử động được các ngón hoặc đi rơi dép.

Teo cơ, co rút các ngón.

Khi có một trong những dấu hiệu nghi ngờ về bệnh phong, người bệnh cần đến:

- Trạm Y tế xã, thị trấn.

- Phòng Khám Da liễu huyện.

- Phòng Khám Da liễu tỉnh.

Để được khám và điều trị bệnh.

5. Cách điều trị:

- Bệnh phong hiện nay đã có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu:

+ Điều trị tại nhà, không cần cách ly.

+ Điều trị miễn phí.

- Nếu phát hiện sớm, điều trị bệnh thì bệnh sẽ khỏi hoàn toàn không để lại di chứng (tàn tật).

6. Cách phòng bệnh:

- Nắm được kiến thức cơ bản về bệnh phong để tự phát hiện sớm bệnh

- Vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường sạch sẽ, nâng cao điều kiện sống.

- Không cần cách ly hoặc xa lánh bệnh nhân vì bệnh phong khó lây và ít lây.

                                                                                   Nhân viên y tế

 

 

    Hoàng Thị Thương