In trang

Người thầy quên không để lại những ưu tư ngoài cửa lớp
Cập nhật lúc : 16:39 12/12/2014

GD&TĐ - "Tâm thế của người dạy Văn rất quan trọng. Làm nên tâm thế của người dạy Văn theo tôi có nhiều yếu tố nhưng có ba yếu tố cơ bản quan trọng nhất là kiến thức của người dạy, tâm trạng của người dạy và thái độ của người học".

Thầy Nguyễn Văn Song (Trường THPT Phù Cừ - Hưng Yên) tiếp tục những chia sẻ bổ ích, giúp các giáo viên tổ chức tốt một giờ dạy Văn.

Thầy Nguyễn Văn Song cho biết, nếu kiến thức bài dạy đã được chuẩn bị một cách kĩ lưỡng đầy đủ, giáo viên đã làm việc cùng với tác phẩm một cách thấu đáo, sẵn sàng buồn, vui cùng nhân vật cùng nhà văn, sẵn sàng chia sẻ điều mình biết về tác phẩm cùng học sinh, thì đó là một tâm thế tuyệt vời, cần có của người dạy về điều kiện kiến thức và sự chuẩn bị cho bài dạy.

Người dạy Văn vốn nhạy cảm, dễ vui, dễ buồn, dễ bị chi phối tâm trạng cảm xúc. Điều này ảnh hưởng không tốt đến quá trình dạy Văn.

Nếu trước khi lên lớp mà thầy cô giáo đang phiền lòng vì chuyện gia đình, vợ chồng, con cái, đang bực mình vì ngổn ngang bao nhiêu chuyện riêng chưa biết sắp xếp, tính toán, xoay sở thế nào thì thật khó để có được một giờ dạy văn đúng nghĩa.

Thầy Song chia sẻ: Tôi còn nhớ như in một lá thư của một cô học trò tôi đã chủ nhiệm. Hôm ấy, gần hết năm học, tôi ra một dề văn kiểm tra để lấy điểm chuẩn bị tổng kết cho kì học. 

Đề bài là: Em hãy viết về điều mà em muốn viết nhất. Lúc ấy, trong nhà trường THPT, kiểu bài nghị luận xã hội chưa được chú ý như bây giờ nên học trò của tôi rất háo hức với đề Văn này.

Thôi thì muốn viết gì thì viết, thoải mái. Tập bài tôi thu về hôm ấy thật bất ngờ, thú vị và xúc động với nhiều cảm xúc, tình cảm đáng quý của học trò.

Trong số bài ấy có một lá thư viết cho tôi, viết về tôi. Cô học trò nói nhiều về sự quý trọng với người thầy chủ nhiệm, người thầy dạy văn là tôi nhưng đoạn cuối lá thư có viết:

“Thầy ơi, em luôn chờ đợi những giờ dạy Văn của thầy và thường thì sự chờ đợi của em đều xứng đáng. Nhưng gần đây, em không còn có cảm giác ấy nữa. Hình như, thầy bước vào lớp mà quên không để lại những ưu tư ngoài cửa. Lúc nào trông thầy cũng buồn bã. Thầy cố gắng lên nhé. Em rất mong có lại được cảm giác đợi chờ thầy đến lớp.”

Đọc lá thư ấy, tôi choáng váng mất một lúc. Đúng là vì nhiều chuyện buồn, vì bao nhiêu nhọc nhằn, vất vả những năm mới ra trường, đã có lúc tôi không dành trọn cảm xúc, tâm tư cho những giờ dạy Văn.

Học trò của tôi sao lại phải chịu trách nhiệm về chuyện buồn của tôi chứ? Thú thực là tôi thấy chán tôi lúc ấy khủng khiếp. Trong lòng tôi thầm cảm ơn cô học trò ấy và xốc lại tinh thần, quyết lấy lại niềm tin yêu của học trò.

Tôi đã làm theo gợi ý của cô học trò ấy. Trước khi vào lớp, hãy hình dung có một cái giá treo vô hình ngoài cửa và hãy treo tất cả những chuyện buồn ở đó để bước vào lớp với tâm trạng thoải mái, thân thiện, toàn tâm toàn ý với bài dạy, với học trò của mình.

Và tôi đã được đền đáp, sau một năm học nữa, khi học trò của tôi chuẩn bị ra trường, tôi nhận được khá nhiều những món quà nho nhỏ của bọn học trò lờp văn hầu hết là do các em tự làm.

Trong số đó có món quà là cuốn sách Những tấm lòng cao cả với những dòng chữ: Em thấy nhan đề cuốn sách rất phù hợp để em tặng nó cho thầy. Em cảm ơn vì thầy đã không giận em, vì thầy đã cho em những giờ Văn thực sự đáng nhớ.

Thái độ từ phía học trò, theo thầy Song, cũng dễ tác động đến tâm thế của người dạy văn.

Một quả sung lăn trên nền nhà, rẻ lau bảng còn bẩn, bàn ghế giáo viên xộc xệch, những câu nói vô ý của trò, ba bốn học trò không thuộc bài đều có thể khiến giáo viên dạy văn mất hứng thú, thậm chí nổi nóng.

 "Hãy đặt mình vào lứa tuổi “dở dở, ương ương” của các em mà nén giận, hãy vì cả một giờ dạy văn mang sứ mệnh dạy người mà bỏ qua, hãy thay lời trách móc, mắng mỏ thành lời trách hài hước, dí dỏm.

Hãy để nụ cười trên môi bạn khi bước vào một giờ dạy văn. Đành rằng, cũng có lúc phải mắng học sinh nhưng những lúc ấy lời mắng của người thầy cũng phải thể hiện sự thiện chí và sự bao dung với học trò để giây phút căng thẳng dễ dàng trôi đi"-

Thầy Nguyễn Văn Song