Giúp học sinh tự học hiệu quả, Thạc sĩ Phan Thị Phương Thảo (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên) cho rằng, giáo viên cần chú ý đến thiết kế các nhiệm vụ học tập, thông qua đó giúp học sinh tự hình thành khái niệm mới, kiến thức mới.
Tự tiếp cận khái niệm
Để hướng dẫn học sinh tự tiếp cận khái niệm thông qua quá trình tự học, theo Thạc sĩ Phương Thảo, giáo viên cần thiết kế nhiệm vụ học tập phù hợp nhằm tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội tự tìm tòi, quan sát, giải thích, phát hiện vấn đề, tự tìm ra kiến thức mới.
Các hoạt động thường được cho dưới dạng lệnh: Hãy quan sát hình vẽ sau...; hãy làm bài toán sau...; hãy đọc nội dung sau...; em hãy thực hiện các hoạt động sau...
Với mỗi lệnh như vậy, giáo viên cần chuẩn bị hệ thống những câu hỏi để kiểm nghiệm năng lực tự đọc, hiểu, quan sát; qua đó, giúp học sinh tự phân tích, tự tìm tòi để đưa ra câu trả lời.
Tự chính xác hóa khái niệm
Để hướng dẫn học sinh tự thực hiện được hoạt động này, giáo viên cần yêu cầu học sinh thực hiện các lệnh, ví dụ: Trao đổi với bạn hiểu ý ban đầu của mình về khái niệm vừa được hình thành để chính xác hóa khái niệm; Hãy hỏi thầy cô để kiểm tra xem khái niệm mình đưa ra đã chính xác hay chưa?
Hãy đọc nội dung khái niệm đã có trong sách giáo khoa? Hãy viết lại nội dung khái niệm bằng ngôn ngữ Toán học? Hãy tìm các cách phát biểu khác nhau của khái niệm...
Các lệnh như vậy sẽ giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng hỏi để học một trong những kỹ năng quan trọng trong tự học.
Củng cố khái niệm
Trong hoạt động này, để học sinh nắm vững khái niệm, giáo viên thường thiết kế các lệnh nhằm nhận dạng, thể hiện khái niệm, hoạt động ngôn ngữ, hoạt động khái quát hóa, cụ thể:
Trong các đối tượng sau, đối tượng này thỏa mãn khái niệm? Lấy ví dụ về đối tượng thỏa mãn các khái niệm? Hãy cho biết quan hệ của khái niệm này với khái niệm đã học? Hãy phát biểu khái niệm bằng cách khác?...
Các hoạt động cần thiết kế nhằm giúp học sinh dựa vào vốn kiến thức sẵn có của mình thông qua trao đổi với bạn, với giáo viên để tự hình thành nên tri thức cho bản thân.
Tự vận dụng khái niệm
Trong hoạt động này, Thạc sĩ Phan Thị Phương Thảo cho rằng, giáo viên cần có kế hoạch định hướng tự học theo đúng đối tượng với hình thức vận dụng cơ bản và vận dụng nâng cao.
Hoạt động vận dụng khái niệm là hoạt động để giáo viên hướng dẫn học sinh ghi nhớ các tri thức Toán học bằng việc vận dụng kiến thức trong hoạt động giải Toán, trong các tình huống thực tiễn.
Muốn việc tự học của học sinh thể hiện tốt, giáo viên cần hướng dẫn học sinh chuyển hóa từ tri thức sự vật sang tri thức phương pháp thông qua các lệnh như:
Theo em, giải quyết vấn đề này ta phải làm như thế nào? Tại sao? Hãy đưa ra tình huống vận dụng khái niệm vừa học? Hãy vận dụng khái niệm vừa học vào tình huống cụ thể?...
“Hướng dẫn học sinh tự học Toán trong trường phổ thông rất có ý nghĩa trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Đây là một trong những tiêu chí về năng lực dạy học của mỗi giáo viên.
Hướng dẫn học sinh tự học có hiệu quả sẽ hình thành ở học sinh cách thức làm việc độc lập, sáng tạo. Học sinh không những chiếm lĩnh được tri thức, kĩ năng, kĩ xảo của nội dung bài học mà còn tìm được cách thức và con đường tiếp cận tri thức, kĩ năng, kĩ xảo đó” - Thạc sĩ Phan Thị Phương Thảo nhấn mạnh.
“Việc hướng dẫn học sinh tự học môn Toán ở trường phổ thông thường được thực hiện theo các hoạt động: Giáo viên hướng dẫn cho từng cá nhân về các tình huống, các vấn đề cần giải quyết, về nhiệm vụ phải thực hiện thông qua các hoạt động;
Giáo viên tổ chức cho học sinh tự thể hiện mình và hợp tác với các bạn cùng tìm ra kiến thức, chân lí; Giáo viên là trọng tài, cố vấn kết luận trong các cuộc tranh luận, đối thoại để khẳng định về mặt khoa học kiến thức do người học tự tìm ra”- Thạc sĩ Phan Thị Phương Thảo