In trang

Giải pháp đồng bộ tăng hiệu quả dạy - học
Cập nhật lúc : 16:48 24/01/2015

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Văn Thiều - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Quảng Hàm (Hưng Yên) đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động dạy và học trong nhà trường.

Đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn

Theo quy định, tổ chuyên môn sinh hoạt 2 tuần một lần, sau sinh hoạt tổ chuyên môn thường sinh hoạt nhóm chuyên môn với thời lượng 2 tiết/buổi.

Nội dung sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn được thực hiện tiết 1 của buổi sinh hoạt. Tiết 2 sẽ sinh hoạt nhóm chuyên môn bằng việc phân công giáo viên lần lượt thực hiện các tiết dạy khó trong chương trình như tiết luyện tập, tiết ôn tập chương, tiết dạy tự chọn, tiết dạy thực hành,...trên cơ sở giáo viên trong nhóm có giáo án về các tiết dạy đó.

Trong buổi sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên bộ môn đều chuẩn bị giáo án về các tiết dạy khó được tổ trưởng, nhóm trưởng phân công và lên lớp trước đồng nghiệp, được đồng nghiệp chia sẻ góp ý trong việc thi công bài giảng.

Thông qua việc nghiên cứu bài học, thiết kế và thi công tiết dạy thử làm cho giáo viên trong nhóm, đặc biệt là giáo viên mới vào nghề nhanh trưởng thành, tiến bộ trong giảng dạy.

Tăng cường dự giờ thăm lớp

Giáo viên các bộ môn dự giờ 2 tiết trên tháng, đối với giáo viên tập sự, dự giờ 4 tiết trên tháng. Việc dự giờ của giáo viên được ghi chép trong sổ dự giờ có góp ý đánh giá tiết dạy của đồng nghiệp.

Giáo viên dự giờ đồng nghiệp phải có bài soạn được thống nhất cách thiết kế bài dạy của hai giáo viên dự giờ và được dự giờ.

Thông qua việc dự giờ thăm lớp, các giáo viên trong nhóm chuyên môn gắn kết hơn trong việc giao lưu, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giờ dạy.

Thiết kế bài dạy là khâu đột phá để đổi mới phương pháp dạy học

Đổi mới phương pháp dạy học, suy cho cùng là đổi mới phương pháp thiết kế và thi công tiết dạy trên lớp mà trước hết là phương pháp thiết kế bài dạy. 

Bởi vậy, thầy Nguyễn Văn Thiều chọn việc đổi mới thiết kế bài dạy (soạn giáo án) làm khâu đột phá cho việc đổi mới phương pháp dạy học.

Phương pháp cũ trong việc thiết kế bài dạy là trên cơ sở mục tiêu bài dạy, giáo viên tham khảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo bộ môn để soạn giáo án thiết kế bài dạy.

Giải pháp mới: Giáo viên căn cứ vào câu hỏi, bài tập,... được ghi sau nội dung bài dạy, tiết dạy trong sách giáo khoa để xây dựng hệ thống câu hỏi dẫn dắt học sinh thực hiện tiết dạy trên lớp.

Thiết kế bài dạy theo cách mới giúp giáo viên không lệch trọng tâm nội dung, kiến thức, kĩ năng, giúp học sinh hiểu bài và hoàn thành nhiệm vụ bài học một cách hiệu quả.


Giải pháp đồng bộ tăng hiệu quả dạy - học

Bồi dưỡng giáo viên về đổi mới kiểm tra đánh giá

Khi thực hiện chương trình nội dung dạy học, giáo viên thực hiện việc kiểm tra đánh giá học sinh theo quy định. Bài kiểm tra định kỳ và thường xuyên giáo viên phải thực hiện cấu trúc, ma trận đề kiểm tra với cấu trúc: Nhận biết 40%; hiểu 30%; thành thạo 15 - 20%; sáng tạo 10 - 15%.

Tùy theo đối tượng học sinh mà dung lượng nhận biết, hiểu, thành thạo, sáng tạo có thể điều chỉnh một cách hợp lý.

Để thực hiện cấu trúc, ma trận đề kiểm tra sát đối tượng học sinh, giáo viên thường ra đề kiểm tra theo hướng vận dụng bài học, đề kiểm tra có nhiều câu hỏi và bài tập phủ khắp nội dung giới hạn chương trình

Giáo viên phải kết hợp hài hòa giữa cấu trúc ma trận đề kiểm tra với dung lượng câu hỏi bài tập nhằm đánh giá phân loại năng lực nhận thức của học sinh.

Chú trọng năng lực nghiên cứu khoa học

Nhà trường tổ chức tập huấn cho giáo viên viết đề tài sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng.

Hội đồng khoa học nhà trường chấm thẩm định xác định 50% cán bộ giáo viên có đề tài sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng được xếp loại A cấp trường, chuyển Sở GD&ĐT đánh giá xếp loại.

Ngoài việc tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học cấp trường, nhà trường đã tăng cường tổ chức hội nghị hội thảo khoa học cụm trường trong tỉnh và cụm trường các tỉnh bạn giúp cán bộ quản lý và giáo viên mở rộng việc giao lưu học hỏi, trao đổi học tập kinh nghiệm với các đơn vị bạn, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Phát huy hiệu quả hội thi giáo viên dạy giỏi, thi HSG cấp tỉnh

Căn cứ kế hoạch nhiệm vụ năm học, nhà trường xác định tham gia đầy đủ các cuộc thi chọn giáo viên dạy giỏi, thi chọn HSG cấp tỉnh, phân công giáo viên bồi dưỡng đội tuyển.

Tại Trường THPT Dương Quảng Hàm, đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch và phân công 2 - 4 giáo viên nòng cốt các bộ môn tham gia bồi dưỡng đội tuyển HSG.

Huy động 31/62 giáo viên nhận nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cụm trường, cấp tỉnh, cấp quốc gia, tăng gấp 2 lần trước đây.

Về cách tiến hành: Trường chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn xây dựng chương trình nội dung bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi.

Sau đó, phân công giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bồi dưỡng giúp đỡ 1 đồng nghiệp trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán bộ môn

Căn cứ năng lực giảng dạy, thành tích hoạt động chuyên môn, trình độ chuyên môn đào tạo, nhà trường xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán bộ môn, đảm bảo một trong các điều kiện sau về trình độ và năng lực nghiệp vụ sư phạm:

Đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, quốc gia; đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, có trình độ thạc sỹ; có kinh nghiệm bồi dưỡng luyện thi học sinh giỏi, ôn thi tuyển sinh đại học cao đẳng đạt hiệu quả cao.

Theo cách làm cũ, giáo viên nòng cốt bộ môn chọn từ các thầy cô là tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn. Giải pháp mới xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt bộ môn chú trọng đến năng lực nghiệp vụ chuyên môn, trình độ đào tạo và kinh nghiệm giảng dạy, thành tích đạt được trong hoạt động dạy.

Tăng cường vài trò của giáo viên chủ nghiệm

Nhà trường tổ chức tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ công tác giáo viên chủ nhiệm lớp, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm lớp đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường theo các tiêu chuẩn trong các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Đồng thời, chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp tổ chức tập huấn công tác quản lý lớp cho đội ngũ cán bộ lớp, tổ học tập, cán bộ đoàn nhằm tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh;

Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp tổ chức cho học sinh đăng ký các danh hiệu thi đua, đăng ký thi đỗ đại học (học sinh lớp 12). Tham mưu với BGH thông báo về địa phương (UBND xã, trưởng thôn, gia đình) đối với học sinh mắc lỗi, vi phạm điều lệ học sinh.

Tính mới của giải pháp là tăng cường nâng cao nhận thức, nghiệp vụ sư phạm trong công tác giáo dục học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp. 

Đặc biệt chú trọng năng lực của giáo viên chủ nhiệm lớp về việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc hình thành và phát triển nhân cách học sinh.

Hải Bình (ghi)