Hiệu quả tích hợp chưa cao
Trong Chương trình THPT, môn Ngữ văn, năm 2002 của Bộ GD&ĐT, khái niệm tích hợp cũng được hiểu là: sự phối hợp các tri thức gần gũi, có quan hệ mật thiết với nhau trong thực tiễn, để chúng hỗ trợ và tác động vào nhau, phối hợp với nhau nhằm tạo nên kết quả tổng hợp nhanh chóng và vững chắc.
Khảo sát sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành, ThS Lê Thị Ngọc Anh nhận thấy định hướng tích hợp thể hiện rõ trong cấu trúc, nội dung qua hai trục tích hợp chính:
Xét về phương diện kĩ năng, có hai trục tích hợp chính là đọc và viết; từ phương diện nội dung môn học có hai trục tích hợp chính là tích hợp dọc và tích hợp ngang.
Tích hợp dọc là sự tích hợp giữa các nội dung trong cùng một phân môn. Tích hợp ngang là sự tích hợp giữa các phân môn đọc văn, làm văn và tiếng Việt...
Nhận định nguyên tắc tích hợp đã được quán triệt chặt chẽ trong chương trình và chi phối mạnh mẽ đến việc biện soạn sách giáo khoa, nhưng theo ThS Lê Thị Ngọc Anh, thực tế dạy học vẫn gặp không ít khó khăn dẫn đến hiệu quả tích hợp trong dạy học Ngữ văn vẫn chưa cao.
Cụ thể, bản thân GV vẫn chưa thực sự chú trọng đến tích hợp hoặc có thì cũng mang tính hình thức. Do đó, nhiều HS không biết tích hợp là gì và phải tích hợp như thế nào, kiến thức và kĩ năng vẫn được tiếp thu và hình thành rời rạc nên chưa có giá trị cao và bền vững.
Một số đề xuất từ góc độ biên soạn sách giáo khoa
Từ thực trạng trên, ThS Lê Thị Ngọc Anh đưa ra một số đề xuất từ góc độ biên soạn sách giáo khoa để việc thực hiện định hướng tích hợp trong thực tiễn dạy học trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Điều đầu tiên được giảng viên này đề cập là số lượng bài học chính khóa còn nhiều, do đó GV và HS bị áp lực thời gian phải hoàn tất nội dung cơ bản, chưa có điều kiện thực hiện các hoạt động học tập tích hợp đặc biệt là tích hợp kiến thức với kĩ năng.
Một trong những mục tiêu của tích hợp là có thể giảm tải chương trình nhưng HS vẫn hoàn toàn có thể chủ động tiếp nhận lượng kiến thức phong phú của nhân loại và tự hình thành kĩ năng, tự phát triển.
“Sách giáo khoa mới nên chăng giảm số lượng bài chính khóa, tăng các bài học thêm làm cơ sở cho việc tích hợp. Như vậy, GV và HS sẽ có thời gian và được trang bị các công cụ cũng như kiến thức nền tảng để thực hiện nguyên tắc tích hợp một cách chặt chẽ.
Từ đó, HS không chỉ lĩnh hội kiến thức sâu sắc mà hình thành được kĩ năng bền vững, tích cực, chủ động học tập hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện” – Giảng viên trường ĐH SP Huế đề xuất.
Thêm đó, vấn đề sắp xếp thứ tự các bài học thiết nghĩ cần xem xét lại. Cụ thể, nếu xác định mục tiêu cơ bản của dạy học Ngữ văn là hình thành kĩ năng đọc văn - làm văn thì có nghĩa là xác định trục kĩ năng làm trục trung tâm.
Để có thể đọc văn - làm văn, HS cần có công cụ. Công cụ được trang bị qua phân môn Tiếng Việt, Lí luận văn học, Văn học sử...
Do đó, các cụm bài học được phân bố theo tuần nên sắp xếp các dạng bài này học trước, sau đó là các văn bản đọc hiểu và cuối cùng là làm văn.
Hoặc những kiến thức công cụ cần được tích hợp chặt chẽ hơn trong các bài học văn bản qua các phần ngoài văn bản như Tiểu dẫn, Chú thích, Tri thức đọc hiểu...
Việc lựa chọn các bài học, các đơn vị kiến thức cũng cần kĩ càng hơn để chúng có mối quan hệ gần gũi và trực tiếp hơn.
Cần có sự tương thích về cả số lượng và nội dung giữa các loại kiến thức và kĩ năng cho phù hợp với định hướng cũng như mục tiêu dạy học tích hợp. Ví dụ như sự tương thích giữa lí luận văn học và văn bản tác phẩm.