In trang

Để sáng kiến kinh nghiệm không là đối phó
Cập nhật lúc : 13:22 20/01/2019

GD&TĐ - Sáng kiến kinh nghiệm cần được duy trì và phát huy! Tôi thiết nghĩ đây là một trong những yếu tố làm nên một giá trị thực, chất lượng cao của một công việc, một ngành nghề cũng như một con người lao động chân chính. Chỉ thật sự lao động, nhiệt tình trong lao động, đam mê công việc mình đang thực hiện mới nhận thấy hết được những thuận lợi, khó khăn cần phải tháo gỡ, cần phải thực hiện và phải thực hiện như thế nào cho nhanh, gọn, hiệu quả,...

Sức ảnh hưởng của Sáng kiến kinh nghiệm đến công việc, con người lao động chắc có lẽ tất cả mọi người dễ dàng nhận ra. Người lao động muốn đạt được thành tích mà công sức đã bỏ ra, muốn được ghi nhận là giỏi, nhất thiết phải có sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng khoa học ghi nhận, được đồng nghiệp đồng tình và được nhân rộng.

Hội đồng khoa học (Hội đồng xét duyệt sáng kiến kinh nghiệm) phải là những thành viên xuất sắc: thật sự giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có tầm nhìn chiến lược, đánh giá đúng thực chất, công tâm, khách quan.

Vì đây là giá trị cao của một công việc, là thành quả của một người lao động chân chính nên cần phải được lưu truyền và phát huy. Hãy dành thời gian cho Sáng kiến kinh nghiệm được trải nghiệm!

Khi Sáng kiến có thời gian được trải hết lòng, được đóng góp và được cống hiến thì mọi công việc sẽ được trôi chảy, thành đạt và phát triển. Người lao động sẽ hòa nhập được với sự đổi mới, nắm bắt kịp thời xu thế phát triển của xã hội, sẵn sàng đáp ứng và lao động tốt trong nền công nghiệp 4.0.

Trong tình hình mới hiện nay, nhất là ngành giáo dục đang bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện thì những cách làm hay, những biện pháp thực hiện sáng tạo hiệu quả, những kinh nghiệm thiết thực cần được chia sẻ, nhân rộng và phát triển.

Và có như thế thì đội ngũ nhà giáo mới đồng bộ, ngang tầm, tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới một cách tự tin, nhẹ nhàng và thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra. Công cuộc đổi mới thật sự đạt kết quả như mong muốn.

Sáng kiến kinh nghiệm lấy đâu ra hàng năm? Đây là câu hỏi lớn và thường được đặt ra ở nhiều thế hệ. Thật ra rất dễ trả lời. Trong quá trình thực hiện công việc (trong lao động) khi chúng ta gặp phải những khó khăn trở ngại làm cho công việc của chúng ta tưởng chừng như không thuận lợi, không đạt được yêu cầu. Chúng ta suy nghĩ, tìm tòi và áp dụng nhiều giải pháp, tiến hành nhiều cách thức và cuối cùng công việc đạt thành như ý. Đấy là sáng kiến kinh nghiệm.

Cũng có khi, sự nhạy bén, đầu óc linh hoạt, người lao động tự nảy sinh những sáng kiến mới tạo bước nhảy vọt đột phá mang về lợi ích cao khi thực hiện nhiệm vụ của mình.


 

Như vậy, sáng kiến kinh nghiệm khi đã được ghi nhận cần công bố rộng rãi, để được chia sẻ, trải nghiệm và lưu truyền thời gian ít nhất 3 năm. Trong thời gian bảo lưu thành quả nay, tác giả không phải sinh ra thêm một sáng kiến nào nữa mà cần phải nghiêm túc thực hiện, kiểm chứng trong thực tiển cuộc sống với nhiều đối tượng khác nhau.

Năm thứ nhất, sáng kiến phải được trải nghiệm ngay chính trên công việc của người sinh ra. Cuối năm, người cha đẻ này chỉ cần làm báo cáo: kết quả thực hiện (nhất định năm sau thành công cao hơn năm trước), những thuận lợi, khó khăn vướng mắc khi thực hiện, đã bổ sung, chỉnh sủa và hoàn thiện kinh nghiệm của mình như thế nào.

Năm thứ hai tiếp tục thực hiện và nhân rộng kinh nghiệm của mình đến đồng nghiệp (những người chưa đạt hoặc chưa có sáng kiến kinh nghiệm). Cuối năm, chỉ cần làm báo cáo có sự xác nhận của những đồng nghiệp mà mình đã chia sẻ: Số lượng người đã nhân rộng, hiệu quả của kinh nghiệm, ý kiến của những người thực hiện theo kinh nghiệm của mình, chỗ nào cần chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.

Năm thứ ba, tiếp tục thực hiện và nhân rộng như trên nhưng với số lượng người được chia sẻ phải nhiều hơn năm trước, cuối năm cũng chỉ làm báo cáo kết quả thực hiện như trên.

Qua những lần bổ sung, nếu thấy Sáng kiến kinh nghiệm này quá đạt, quá thành công thì tiếp tục nhân rộng và phát huy. Tại một thời điểm nào đó, Sáng kiến kinh nghiệm của mình thấy không còn phù hợp, không mang lại hiệu quả cao thì người cha đẻ này phải sinh ra một sáng kiến mới.


Giáo viên họp tổ chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy

Giáo viên họp tổ chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy


Với cách làm trên, sáng kiến kinh của người lao động sẽ nâng lên tầm cao mới. Giá trị của người lao động cũng sẽ được đánh giá cao và xứng tầm hơn trong tình hình mới hiện nay.

Người lao động không phải nhọc nhằn đối phó với những sáng kiến kinh nghiệm qua loa. Mà ngược lại sẽ kích cầu tối ưu, người lao động sẽ năng động sáng tạo, sẵn sàng cho ra đời nhiều sự sáng tạo, xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống được nâng lên.

Nhất là người sản sinh ra sáng kiến sẽ cảm thấy không thừa, sẽ cảm thấy cần phát huy và mới thật sự thấy hạnh phúc khi đã có những đóng góp tích cực cho đời, cho nghề và cho xã hội.

Tô Ngọc Sơn