In trang

Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn khoa học xã hội
Cập nhật lúc : 07:55 23/08/2014

GD&TĐ - Nhiều học sinh quan tâm đầu tư các môn khoa học tự nhiên mà chưa thấy được vai trò quan trọng của môn khoa học xã hội. Điều đó thể hiện qua thái độ học tập của học sinh, nhu cầu chọn lựa môn thi và hướng học tập, nghiên cứu sau phổ thông.

Thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) - đã thực hiện một khảo sát nhỏ với học sinh 3 khối lớp trong trường.

Kết quả, chỉ có 23,44% thích các môn khoa học xã hội. Về ưu tiên lựa chọn khối thi cao đẳng, đại học, 64.06% học sinh có khuynh hướng chọn khối A, B và 23,44% học sinh có khuynh hướng chọn C, D (Trong số này, rất ít chọn khối C).

Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng các giải pháp, kết quả giảng dạy các môn khoa học xã hội của Trường THPT Tháp Mười luôn ổn định ở mức cao so với các môn khoa học tự nhiên. 

Kết quả thi tốt nghiệp của các môn khoa học xã hội cũng rất cao so với mặt bằng chung của tỉnh và thường nằm ở thứ hạng đầu, có môn vượt qua cả trường chuyên như Ngữ văn, Tiếng Anh…

Để có được kết quả này, những giải pháp được ông Nguyễn Văn Định áp dụng trong toàn trường như sau:

Khẳng định vị thế của môn KHXH trong chiến lược phát triển nhà trường

Tất cả kế hoạch, chiến lược phát triển nhà trường đều khẳng định được vị thế và vai trò không thể thiếu của các môn khoa học xã hội trong việc phát triển toàn diện cho học sinh. Luôn đặt môn khoa học xã hội trong mối quan hệ biện chứng với môn khoa học tự nhiên.

Giáo dục học sinh gạt bỏ những suy nghĩ có tính phân biệt môn khoa học xã hội như: Môn phụ, môn không thi đại học, chỉ học khoa học tự nhiên mới phát triển tốt tư duy…

Cần phải giúp học sinh hiểu rằng, học không chỉ để thi đỗ và kiếm tiền mà còn học để biết, học để làm và học để chung sống với cộng đồng.

Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn khoa học xã hội

Làm hấp dẫn bộ môn bằng hình thức giảng dạy phong phú

Với môn Lịch sử, ngoài những nội dung qui định trong chương trình, người dạy  cần làm “hấp dẫn” bộ môn bằng cách chủ động giới thiệu thêm các các sự kiện lịch sử của địa phương và đất nước, đặt ra các nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử để học sinh càng quí trọng thành quả đấu tranh giữ nước của ông cha và hiểu rằng học Lịch sử không chỉ để biết, để thi cử mà còn để bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước.

Kiến thức môn Ngữ văn cũng sẽ theo học sinh suốt cuộc đời. Giáo viên cần làm “thực tiễn” bộ môn mình thông qua việc cho các em thực hành những nội dung đã học như: Hùng biện, sáng tác, viết thư, soạn thảo các loại văn bản…

Ngoài ra, hình ảnh và ngôn phong của giáo viên cũng là “phương tiện đặc biệt” giúp dạy thành công môn học.

Môn Giáo dục công dân có trách nhiệm góp phần quan trọng trong việc phát triển nhân cách cho học sinh. Thông qua giờ học, thông qua các buổi sinh hoạt, giáo viên đưa những nội dung tuyên truyền về pháp luật, giáo dục truyền thống, rèn luyện đạo đức công dân, nêu gương người tốt việc tốt, các điển hình trong thực tế để làm cho bài học hấp dẫn và gần gũi với cuộc sống hơn.

Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các cuộc thi tìm hiểu truyền thống…. trên cơ sở phối hợp tuyên truyền kiến thức liên môn khoa học xã hội nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức, làm cho môn học thực tế hơn, thu hút hơn.

 

Bồi dưỡng đội ngũ

Trường THPT Tháp Mười xác định vai trò hết sức quan trọng của môn khoa học xã hội, tạo được niềm tin vững chắc, khẳng định vị trí vững vàng cho giáo viên môn khoa học xã hội.

Thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ, trường đã có chiến lược bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên môn khoa học xã hội, tạo điều kiện để giáo viên tham gia tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên nghiên cứu tìm ra các giải pháp quản lý, các phương pháp mới làm cho môn học đạt kết quả cao nhất; đồng thời có nhiều hình thức khen thưởng, tôn vinh xứng đáng cho đội ngũ này.

Những năm gần đây, trường đã bồi dưỡng nhiều giáo viên môn khoa học xã hội đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, tạo điều kiện cho nhiều người học và tốt nghiệp thạc sĩ. 

Tỉ lệ giáo viên giỏi cấp tỉnh và thạc sĩ nhóm môn khoa học xã hội hiện đang công tác tại trường cao hơn nhiều so với với các môn khoa học tự nhiên.

Hải Bình (ghi)