In trang

Biện pháp giáo dục học sinh cá biệt
Cập nhật lúc : 01:01 25/05/2015

GD&TĐ - Bằng nhiều biện pháp, kết hợp sự quan tâm sâu sát đến học sinh và tính kỷ luật, thầy giáo Lê Thế Thắng đã thành công trong giáo dục học sinh cá biệt tại Trường THPT Cẩm Thủy 2 (Thanh Hóa). Dưới đây là những chia sẻ từ thực tiễn của thầy Lê Thế Thắng:

Thực hiện nội quy: Nhắc nhở thường xuyên

Điều quan trọng đầu tiên là giáo viên cần tập trung xây dựng tập thể lớp đoàn kết, thân thiện, đa số học sinh trong lớp phải hiểu và thực hiện nghiêm túc nội quy lớp, không vi phạm những điều cấm. Qua đó, học sinh chậm tiến thấy được những lỗi vi phạm của mình gây ảnh hưởng đến tập thể lớp như thế nào!

Để làm được điều này, giáo viên có thể sử dụng các biện pháp:

Cho học sinh viết cam kết thực hiện nghiêm nội quy nhà trường, không vi phạm điều cấm đối với học sinh theo điều lệ trường trung học, sau đó cho phụ huynh ký xác nhận. Bản cam kết được viết làm 2 bản, học sinh giữ 1 bản, giáo viên chủ nhiệm giữ 1 bản.

Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về các nội quy nhà trường, luật an toàn giao thông ... trong các buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ, sinh hoạt cuối tuần, sinh hoạt chi đoàn cuối tháng với các hình thức.

Cụ thể: Cập nhật các học sinh vi phạm, chỉ rõ lỗi vi phạm, nguyên nhân vi phạm và hình thức xử lí của nhà trường đối với các học sinh đó, nêu rõ lý do tại sao lại xử lí như vậy? Đưa ra các tình huống cho học sinh thảo luận nhằm giảm bớt căng thẳng.

Hướng dẫn học sinh tổ chức buổi hoạt động tập thể như: Toạ đàm nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (tổ chức văn nghệ, bốc thăm tặng quà ...), hoạt động chào mừng ngày 20/11 (tham gia văn nghệ do đoàn trường tổ chức), qua đó để học sinh hiểu hơn về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "tôn sư trọng đạo" của người Việt Nam....

 

Phối hợp gia đình, nhà trường: Tránh hời hợt

Giáo viên nên lập kế hoạch đi thăm gia đình học sinh trong lớp, đặc biệt là học sinh cá biệt, mỗi tháng thăm được ít nhất 2 gia đình học sinh để trong 2 năm học có thể thăm được hết gia đình học sinh trong lớp. Từ việc trực tiếp đến gia đình, gặp gỡ cha mẹ học sinh, giáo viên sẽ hiểu hơn hoàn cảnh học sinh, từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp.

Lựa chọn hình thức trao đổi thông tin, có thể bằng sổ liên lạc, bằng điện thoại... Với sổ liên lạc, giáo viên chủ nhiệm nhận xét về kết quả học tập, số buổi nghỉ, số lần bỏ tiết, đi học chậm và các vi phạm khác, nhận xét về thái độ, chiều hướng tiến bộ của học sinh và đưa học sinh chuyển về cho phụ huynh vào thứ 7 hàng tuần.

Phụ huynh nhận xét các hoạt động của con em tại gia đinh, ký xác nhận và chuyển lại cho giáo viên chủ nhiệm vào sáng thứ 2 tuần sau (phụ huynh học sinh phải ký mẫu vào sổ liên lạc).

Với hình thức liên lạc bằng điện thoại: Giáo viên chủ nhiệm cho phụ huynh đăng ký số điện thoại và thông báo số điện thoại của mình cho phụ huynh học sinh biết ngay từ buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm để chủ động liên lạc trực tiếp với phụ huynh khi cần thiết và ngược lại .

Đặc biệt đối với học sinh hay nghỉ học, bỏ giờ, nếu nghỉ học không có lí do, hoặc viết giấy phép nhưng không có chữ ký phụ huynh, có chữ ký phụ huynh nhưng không đúng ..., giáo viên chủ nhiệm điện trực tiếp cho gia đình học sinh ngay trong buổi học hôm đó để xác định thông tin.

 

Luôn theo dõi sát sao

Cùng với việc phân loại học sinh cá biệt, xác định những lỗi mà học sinh đó hay vi phạm, tìm hiểu nguyên nhân, giáo viên cần hường xuyên theo dõi, nắm bắt đầy đủ, chính xác mọi hoạt động, lỗi vi phạm hay biểu hiện tích cực của học sinh trong từng buổi học để tác động, uốn nắn hoặc biểu dương kịp thời.

Nguồn thông tin giúp giáo viên thu thập là: Nhận xét trong sổ đầu bài; thông qua giáo viên bộ môn; qua ban theo dõi nề nếp của nhà trường; qua ban cán sự lớp và thông qua bạn bè thân quen với học sinh đó...

Đặc biệt, cần thường xuyên quan tâm, gần gũi với các học sinh cá biệt để các em cảm thấy mình không bị xa lánh, ghét bỏ và có thể chia sẻ những vướng mắc, từ đó, giáo viên có lời khuyên đúng đắn, phù hợp, tháo gỡ cho các em. 

Giáo viên luôn nhấn mạnh: Tất cả học sinh trong lớp đều phải có trách nhiệm giúp đỡ các bạn học chậm tiến trong lớp. Nhưng để theo dõi chính xác, đầy đủ và có trách nhiệm hơn, cần phân công cụ thể người theo dõi, giúp đỡ học sinh cá biệt.

Ảnh minh họa

Hình thức xử lí vi phạm

Với các học sinh vi phạm, có thể dùng các biện pháp xử lý sau: Cho học sinh viết bản tự kiểm điểm, kiểm điểm trước lớp và tự nhận hình thức kỉ luật;

Tuỳ vào mức độ vi phạm có thể khiển trách trước lớp hoặc đề nghị lên Hội đồng kỉ luật để xử lí;

Xếp loại hạnh kiểm không quá mức trung bình trong tháng đó. Thông báo cho gia đình học sinh biết.

Một số trường hợp mức độ vi phạm nghiêm trọng hoặc học sinh chậm sửa chữa, cần phối hợp với Đoàn trường, Ban giám hiệu để có biện pháp giáo dục học sinh.

Hải Bình (ghi)