In trang

Bài dạy minh hoạ - Những vấn đề đáng bàn!
Cập nhật lúc : 15:32 04/01/2014

GD&TĐ - Bài dạy minh hoạ thường được nhóm giáo viên, tổ hay Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cùng thiết kế. Nhóm thiết kế được khuyến khích linh hoạt, sáng tạo, chủ động, không lệ thuộc một cách máy móc vào quy trình, các bước dạy trong sách hướng dẫn, và có thể điều chỉnh nội dung, ngữ liệu, mục tiêu bài học cho phù hợp với đối tượng, vùng miền, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, khi thực hiện bài dạy minh hoạ, giáo viên thường dạy hết các nội dung kiến thức có trong bài học (mặc dù đã được giảm tải theo Chuẩn kiến thức kỹ năng theo Quyết định số 14/2007/QĐ – BGDĐT ra ngày 04/5/2007 của Bộ GD&ĐT).

Vì vậy trong tiết dạy, giáo viên thường chú tâm đến đối tượng học sinh khá giỏi; ít quan tâm đến đối tượng học sinh yếu kém vì sợ cháy giáo án làm ảnh hưởng đến kết quả của giờ dạy. Khi dạy minh họa, giáo viên thường áp đặt một chiều, máy móc. Vì vậy học sinh thụ động trong quá trình lĩnh hội tri thức nên không phát huy được tính sáng tạo, làm chủ tiết học. Giáo viên thường lúng túng trong quá trình xử lý tình huống khi học sinh không trả lời được câu hỏi hoặc không thực hiện được bài tập theo yêu cầu đưa ra.

Giáo viên dạy minh hoạ phân bổ các nội dung bài dạy theo thời gian đã dự định cho mỗi hoạt động và thường huấn luyện, sắp đặt sẵn đáp án cho học sinh, nên các câu hỏi thường yêu cầu học sinh phải trả lời theo đúng đáp án đã đưa ra trước đó. Nếu có trò nào thắc mắc hoặc giơ tay phát biểu đóng góp xây dựng bài mà không nằm trong tốp đã “gà” trước thì giáo viên cũng sẽ làm ngơ. Mặt khác, giờ dạy minh hoạ thường mang tính trình diễn, vì giáo viên dạy minh hoạ có tâm lý sợ bị đánh giá đã không truyền tải hết nội dung, kiến thức, kỹ năng; không thực hiện theo quy trình các bước dạy. Vô hình trung biến giờ dạy minh hoạ thành tiết diễn kịch, kém hiệu quả.

THIÊN THU