In trang

Đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT với phương thức Dạy nói - Học nói
Cập nhật lúc : 10:46 20/01/2014

GD&TĐ - Tâm đắc với Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT, một trí thức Việt từ Hungary đã gửi đóng góp: Thay đổi vai trò chính trong truyền đạt kiến thức thông qua công cụ viết bằng công cụ nói.

Điều kiện thực hiện 

Trên thực tế thử nghiệm, phương thức dạy nói - học nói chỉ có thể thực hiện trong điều kiện số lượng học sinh vừa phải. Với lượng học sinh ít, giáo viên có thể trực tiếp theo sát quá trình phát triển của từng học sinh ngay trên giờ học, và sẽ có biện pháp phù hợp giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn.

Với phương thức dạy nói - học nói, tất cả học sinh bắt buộc phải trực tiếp tham gia học tập cùng lúc trên giờ học. Như vậy, học sinh chủ động, tích cực và không hề cảm thấy chán nản trong quá trình học tập.

Dựa trên thực tế giảng dạy thí điểm, trong môi trường học tâp chủ động và sáng tạo, việc nâng thời gian học từ 45 phút - 60 phút - 75 phút là hoàn toàn khoa học. Việc tăng thời lượng một tiết học và giảm số lượng buổi học, sẽ nâng hiệu quả của học tập lên gấp 4 - 5 lần mà thời lượng của khóa học có thể giảm hoặc giữ nguyên.

Như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian học tập, bên cạnh đó còn giúp cho thế hệ trẻ tăng dần được khả năng chịu tải công viêc - đáp ứng thiết thực đòi hỏi cấp bách của hiện tại và tương lai.

Đội ngũ giáo viên

Phân nhóm: Gồm bốn nhóm giáo viên:  Khoa học tự nhiên, Xã hội học, Nghệ thuật và Thể dục thể thao.

Trình độ tối thiểu: Tất cả giáo viên đều phải được đào tạo tâm lý sư phạm và phải có khả năng giảng dạy ít nhất hai trong bốn nhóm giảng dạy. 

Trình độ sư phạm: Vi linh hồn của giảng dạy và học tập là nói - vì thế đòi hỏi cấp thiết với giáo viên là tri thức thường trực, khả năng ứng xử tình huống và có tầm nhìn tổng thể trong lĩnh vực chuyên môn và các lĩnh vực liên kết.

Giáo viên THPT:  Phải đủ trình độ của giáo viên THCS để tiếp tục phát triển các môn học tích hợp chuyển tiếp từ THCS; Có trình độ chuyên sâu của ít nhất 2 môn học.

Dạy nói - Học nói : Có thể tóm tắt bằng qui trình: Lượng thông tin (input) → Phân tích + xử lý →  Thông tin (output). Hai chiều in - out put đều được thể hiện bằng công cụ nói - tốc độ nhanh và trực tuyến (tức thời) hơn hẳn phương pháp xử lý qua công cụ viết. Hơn nữa thông tin và xử lý thông tin đến được với nhiều người cùng môt lúc (tập thể).

Đây là ưu thế nổi trội của của phương pháp dạy nói - học nói. Phương pháp này, kết hợp với phương pháp truyền thống dạy viết - học viết sẽ giúp cho thế hệ trẻ có được bản lĩnh, học được cách xử lý tinh huống tức thời và cả khả năng xử lý chuyên sâu trong hoàn cảnh cho phép.

Phương thức dạy nói - học nói đòi hỏi kỹ năng, trình độ xử lý trực tuyến và tức thời của giáo viên ngay từ lúc bắt đầu.

Việc tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin có thể qui thành ba thể loại: Trừu tượng, tượng hình, và tượng thanh.

Vì vậy để việc học nói thực sự đạt kết quả, ngay từ khi trẻ em học lớp 1,  cùng một lúc chúng ta phát triển 4 khả năng tiềm ẩn của học sinh: Học đọc và học viết (khả năng trừu tượng); Vẽ, hội họa (tượng hình); Âm nhạc (tượng thanh); Kỹ năng nghe, trình bày, diễn thuyết (sơ đẳng Đắc – Nhân - Tâm).

Bốn kỹ năng trên được kết hợp nhuần nhuyễn thành tri thức NÓI. Với quyết tâm cách mạng của công cuộc cải cách lần này, chúng ta phải thấy được tầm quan trọng trong việc khai thác toàn bộ những khả năng tiềm ẩn của học sinh ngay từ khi bắt đầu tới trường, làm đà cho viêc học tâp, tiếp thu cái mới là sự đam mê và khơi nguồn sáng tạo - học tập với nhiều hình thức và suốt đời.

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ làm thay đổi hàng loạt các giá trị cổ truyền. Trong thời gian rất gần thôi, quyển vở học sẽ được thay bằng máy tinh bảng (hoặc ultrabooks);  kĩ năng sử dụng công cụ soạn thảo văn bản.

Phải chăng kỹ thuật sử dụng 10 ngón tay đánh máy chữ sẽ là yêu cầu trong học tập? Hầu hết các trường ĐH tiên tiến đã làm việc chủ yếu bằng máy tính thông qua Internet.

Đã đến lúc chúng ta phải đào tạo giáo viên sử dụng thành thạo interactive tables (bảng thông minh) trong giảng dạy. Việc kiểm tra và làm bài kiểm tra trắc nghiệm và báo kết quả tức thì thông qua hệ thống "bấm nút bầu cử” là phương tiện đang được áp dụng hiệu quả và giá thành đầu tư không còn là điều không tưởng.

Ngoại ngữ là chìa khóa hữu hiệu nhất để thâm nhập và hòa đồng vào các nền văn hóa của các dân tộc khác. Với trào lưu toàn cầu hóa hiện nay trong việc giảng dạy và học tập chất lượng cao, ngoại ngữ sẽ trở thành đòi hỏi bắt buộc với tuổi trẻ. Dạy và học ngoại ngữ là bộ phận cấu thành không thế thiếu của phương pháp dạy nói - học nói.

Bỏ hoàn toàn lối truyền thụ kiến thức một chiều, ghi nhớ máy móc; phát huy tính tích cực tính chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức kĩ năng của người học. Giáo viên tập trung dạy cách học, cách nghĩ và tự đọc sách, tự học, theo phương châm giảng và "học đi đôi với hành", bồi dưỡng ý thức học tập suốt đời.

Việc đưa phương pháp "Dạy nói - học nói và dạy viết - học viết” thay cho phương pháp giảng dạy cổ điển "Dạy viết - học viết và dạy nói - học nói” không chỉ đơn thuần là sự thay đổi vị trí các nhóm từ trong cách hành văn, mà còn bao hàm một sự thay đổi về lượng và chất, thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức.                                                   

TS Nguyễn Văn Lợi (Hunggary – Budapest)