In trang

Đẩy mạnh đổi mới phương pháp thông qua Hội thi Giáo viên dạy giỏi
Cập nhật lúc : 18:20 19/03/2014

GD&TĐ - Hội thi Giáo viên dạy giỏi là hoạt động chuyên môn đang được các địa phương trên cả nước chú trọng tổ chức trong thời gian này. Đây là dịp để các Sở GD&ĐT nắm được tình hình vận dụng đổi mới phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên để xây dựng phong trào, tạo chuyển biến về chất lượng dạy và học trong các trường phổ thông.

Phát triển năng lực giải quyết vấn đề của cuộc sống

Giờ thao giảng môn Sinh học của cô Nguyễn Thị Nga - Giáo viên Trường THPT Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ) nằm trong khuôn khổ Hội thi giáo viên dạy giỏi các môn Vật lý, Sinh học và Thể dục cấp THPT năm học 2013 - 2014 của Sở GD&ĐT Hà Nội. 

Bài “Sinh trưởng của vi sinh vật” được cô Nga chuẩn bị khá đầy đủ các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, máy chiếu, máy tính. Trong phần khái niệm, lý thuyết, giáo viên sử dụng máy tính để trình chiếu những hình ảnh, đặc điểm của sự sinh trưởng của tế bào sống và đặt các câu hỏi cho học sinh đưa; cuối cùng là đưa các đáp án, chính là phần lý thuyết của bài học. 

Tiếp đó là các bài tập áp dụng mẫu công thức tính của bài học được đưa ra cho học sinh; đây là một dạng thức khá phổ quát cho chương học trong môn Sinh học.

Trong phần 2, thực nghiệm, giáo viên gợi mở những kiến thức của bài học với thực tế bằng những hình ảnh mô tả quá trình nuôi cấy vi sinh vật trong ống nghiệm và những ứng dụng trong khoa học. 

Phần bài tập, giáo viên chia lớp thành 4 nhóm. Một nhóm học sinh đã trình bày trước lớp học về nuôi cấy vi sinh vật không liên tục bằng “bản đồ tư duy”...

Trong bài giảng, học sinh liên tục được cung cấp kiến thức bằng các hình ảnh sinh động, biểu đồ dễ hiểu trên màn hình máy chiếu; giáo viên luôn có những ví dụ thực tiễn về ứng dụng nuôi cấy vi sinh vật như: Làm sữa chua, muối dưa chua, cấy gen mã hóa vào vi khuẩn để sản xuất thuốc chữa bệnh tiểu đường với giá thành rẻ trong y học, tạo các tác phẩm hội họa bằng vi sinh vật... và các tác động vào quá trình nuôi cấy vi sinh vật như thế nào có lợi nhất cho mục đích nuôi cấy. 

Kết thúc giờ học, em Lục Thị Ban - Học sinh lớp 10 A7 Trường THPT Chương Mỹ B - cho biết: Em rất có hứng thú xây dựng bài vì tiết học có không khí rất nhẹ nhàng, vui vẻ. 

Trong tiết học này có đến gần 20 lượt học sinh tham gia xây dựng bài. Với cách dạy lấy nhiều thí dụ thực tiễn như tiết học này học sinh hiểu bài sâu hơn và nhớ kiến thức lâu hơn.

Cô Nguyễn Thị Nga chia sẻ: Trong tiết học này, cô đã sử dụng phương pháp lấy học sinh làm trung tâm; Giảng ngắn gọn phần lý thuyết để dành thời gian cho phần thực nghiệm. 

Theo cô Nga, để bài giảng có hiệu quả cao nhất và học sinh nắm được kiến thức ngay trên lớp, giáo viên phải tìm hiểu các nhóm đối tượng trong lớp để cung cấp kiến thức theo nhóm đối tượng này. 

Đồng thời, cố gắng gợi mở kiến thức bằng các ví dụ thực tiễn nhằm giúp các em phát triển kỹ năng giải quyết các vấn đề thường gặp trong cuộc sống như làm cách nào để ăn sữa chua đảm bảo an toàn, cách muối dưa ngon....

 Kết hợp nhiều kỹ thuật, phương pháp dạy học

Mở đầu giờ thao giảng môn Vật lý, bài “Hiện tượng quang điện”, cô Nguyễn Thị Hiền - Giáo viên Trường THPT Thanh Oai A - đưa ra hình ảnh sống động mô tả thí nghiệm về tấm kẽm mang điện tích âm bị mất dần điện tích âm dưới sự tác động của tia hồ quang và thí nghiệm chiếu ánh sáng hồ quang vào tấm kẽm điện tích dương và để học sinh giải thích hiện tượng này. Từ đó, cô dẫn dắt các em vào bài học. 

Cô Hiền cho biết, mình đã kết hợp nhiều phương pháp dạy học trong tiết dạy này: Từ phương pháp truyền thống (phương pháp thuyết trình) đến các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới như hoạt động nhóm, ra bài tập dưới hình thức phát phiếu hỏi. 

Theo cô Hiền, muốn có một bài giảng chất lượng và lôi cuốn học sinh, giáo viên phải chú trọng đến sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. 

Các tiết dạy học hàng ngày ở trên lớp, cô thường dùng nhiều dụng cụ thí nghiệm hơn. Chỉ tóm tắt các phần lý thuyết và kết hợp với trình bày trên bảng và thao tác các thí nghiệm giản đơn để học sinh dễ theo dõi và nắm bắt kiến thức.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đoàn Hoài Vĩnh cho biết: Qua Hội thi Giáo viên dạy giỏi THPT năm nay, Sở GD&ĐT mong muốn đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học trong đội ngũ giáo viên bộ môn. 

Đây cũng là dịp để các thầy cô giáo trao đổi kinh nghiệm, phát huy trình độ, năng lực từng cá nhân trong nâng cao chất lượng chuyên môn qua các bài giảng. 

Những năm tiếp theo, Sở tiếp tục phát động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng đổi mới tổ chức các hoạt động giáo dục, nâng cao kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống cho học sinh để công tác giảng dạy phù hợp với định hướng CT- SGK mới, tạo chuyển biến về chất lượng dạy và học trong các trường THPT trên địa bàn.

 Đẩy mạnh ứng dụng phương pháp dạy học tích cực

TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học (Bộ GD&ĐT) - khẳng định: Hiện nay, Bộ GD&ĐT chủ trương tăng cường các phương pháp dạy học tích cực, trong đó biến quá trình dạy học thành các hoạt động tổ chức, kiểm tra và định hướng các hoạt động của người học. 

Các phương pháp dạy học trước đây chú trọng đến việc truyền thụ kiến thức thì nay phải chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động của học sinh; nâng cao sự vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Ngoài phương pháp dạy học “bàn tay nặn bột”, nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học mới Bộ đang khuyến khích các giáo viên chủ động, linh hoạt áp dụng vào bài giảng. Xu hướng chung là dạy học tích hợp ở các lớp dưới và dạy học phân hóa cao theo đối tượng học sinh ở các lớp trên.

Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thành, trong đổi mới phương pháp dạy học, vai trò của giáo viên rất quan trọng. Chính vì vậy, nhiều năm nay Bộ GD&ĐT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên dưới nhiều hình thức (tập huấn cho giáo viên cốt cán các Sở GD&ĐT để đội ngũ này khi trở về tập huấn cho đội các giáo viên ở địa phương mình, tập huấn qua bài giảng từ xa E – learning...).

Cùng với đó, Bộ cũng chú trọng trang bị cho giáo viên kiến thức đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng kiểm tra năng lực của học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn chứ không đơn thuần là kiểm tra kiến thức xem học sinh đã học được gì.

 “Các Hội thi giáo viên dạy giỏi hàng năm góp phần nâng cao năng lực của người dạy; giúp giáo viên đầu tư công sức, tâm lực nhiều hơn so với bài giảng hàng ngày. Thông qua đó, Ban tổ chức sẽ đánh giá được sự sáng tạo, tình hình đổi mới phương pháp của giáo viên hiện nay như thế nào biểu hiện qua sự chuẩn bị công phu và thành công của giờ hội giảng”.

TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học (Bộ GD&ĐT)

Giang Đông