In trang

CNTT chỉ là công cụ trợ giảng nhiều tiện ích
Cập nhật lúc : 10:21 18/01/2014

GD&TĐ - Ứng dụng CNTT không đồng nhất với đổi mới phương pháp giảng dạy mà ứng dụng CNTT chỉ là công cụ trợ giảng nhiều tiện ích. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học góp phần giúp cho học sinh có thói quen tự học, tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm tài liệu ngoài bài giảng của giáo viên ở trường, tìm kiếm tài liệu bổ ích trên Internet để hỗ trợ cho việc học trên lớp, giúp cho học sinh hứng thú học tập hơn.

Ứng dụng CNTT không đồng nhất với đổi mới phương pháp dạy học

CNTT là phương tiện tạo thuận lợi cho triển khai phương pháp dạy học tích cực, không phải là điều kiện đủ của phương pháp dạy học như yêu cầu hiện nay.

Trong những năm gần đây, các phương tiện hỗ trợ - “Công nghệ đa phương tiện” trong quá trình dạy học giáo viên đều áp dụng phương pháp giảng dạy bằng CNTT, như soạn giáo án và trình chiếu từ khâu kiểm tra bài cũ, đến các kết luận của bài dạy và tích hợp lồng ghép tranh ảnh, đoạn video clip, “giáo án điện tử”...

 

 

Các bài giảng có khai thác ứng dụng CNTT thường chỉ dừng lại là thay thế chức năng của bảng và phấn và tạo ra các hình ảnh trực quan cụ thể hoặc về quy trình thao tác trên các đối tượng đang nghiên cứu trong bài dạy. 

CNTT giúp trợ giảng rất tốt, những hình ảnh động như tuần hoàn tim, hình không gian 3 chiều hoặc mô phỏng những quy trình thí nghiệm mà ở ngoài không thể làm được…  hỗ trợ bài giảng nội dung thêm phong phú và thực tế, học sinh hình dung dễ dàng”.

Một giờ học ứng dụng CNTT là một giờ học phát huy thực sự tính tích cực của học sinh, việc khai thác công nghệ thông tin bảo đảm các yêu cầu và tính đặc trưng của phương pháp dạy học tích cực mà giáo viên lựa chọn. Việc ứng dụng CNTT trong giờ dạy chỉ là một phần hỗ trợ cho bài dạy.

Không ít giáo viên giảng dạy thường chú ý thiết kế “giáo án điện tử” mà quên việc thực hiện quy trình của giờ dạy theo phương pháp dạy học tích cực, từ đó làm hạn chế hiệu quả của giờ giảng.

Cần sự tương tác giữa thầy và trò qua công nghệ

Sự hỗ trợ của "giáo án điện tử" giúp giáo viên tiết kiệm thời gian ghi bảng, làm các thí nghiệm ảo để tránh độc hại, hình ảnh đẹp… Nhưng nếu một giờ dạy mà chỉ "nhấp chuột" thì lại là một sai lầm. Thực tế một số giáo viên thường dạy tích hợp tất cả bằng giáo án điện tử. 

Học sinh thừa hưởng kết quả vận dụng của giáo viên, học sinh không trực tiếp khai thác CNTT để tiến hành các hoạt động liên quan tới bài dạy. 

Nhưng thực tế, các bài giảng có ứng dụng CNTT đều từ phía người dạy, chứ chưa có sự tương tác giữa thầy và trò thông qua công nghệ.

Dạy học tích cực là thông qua các tổ chức hoạt động của HS, chú trọng rèn luyện học sinh phương pháp tự học. Tăng cường hoạt động học tập của mỗi cá nhân, phân phối với hợp tác.

Quan tâm chú trọng đến hứng thú của người học, nhu cầu và lợi ích của xã hội, coi trọng hướng dẫn tìm tòi kết hợp với đánh giá của thầy và tự đánh giá của trò.

Đổi mới phương pháp dạy học hiện đang là vấn đề để nâng cao chất lượng dạy học. Đó là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong cải cách giáo dục ở nước ta hiện nay. 

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học là một công việc lâu dài, khó khăn đòi hỏi rất nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính và năng lực của đội ngũ giáo viên.

Phan Vượng