In trang

Thầy giáo dạy học sinh chuyên biệt bằng... trái tim
Cập nhật lúc : 22:21 11/07/2015

GD&TĐ - Nhận quyết định phân công giảng dạy tại Trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng), thầy Nguyễn Duy Quy hết sức bỡ ngỡ và không khỏi lo lắng: Hầu hết học sinh đều bị khiếm thị trong khi những dòng chữ nổi đối với thầy là quá xa lạ.

 Học chữ nổi từ chính HS để hòa nhập với các em trong môi trường mới, tìm mọi cách làm đồ dùng dạy học phù hợp với điều kiện học tập của HS, thầy giáo Nguyễn Duy Quy đã góp phần cùng các em thắp lên ánh sáng cho những đêm dài vô tận...

Trăn trở hướng đi hiệu quả trong giảng dạy HS chuyên biệt

Là giáo viên chuyên trách dạy môn Toán cho HS khiếm thị ở Trường Phổ thông Chuyên biệt (PTCB) Nguyễn Đình Chiểu, thầy Trần Duy Quy luôn suy nghĩ một hướng đi hiệu quả trong giảng dạy. 

Bởi để hình thành cho học sinh khiếm thị những khái niệm mới là một công việc khá phức tạp: Phải có từ ngữ chuẩn theo từ điển để định nghĩa, mô tả, tìm ra dấu hiệu đặc trưng và quan trọng hơn cả là phải loại bỏ những dấu hiệu ngộ nhận. 

Trong khi đó, với học sinh bình thường, ý niệm về sự vật, sự việc đã gần như có sẵn, giáo viên chỉ cần giúp các em tổng hợp lại thành một khái niệm. 

Chính bởi vậy, giáo viên trong khi giảng bài phải truyền đạt chậm rãi, minh họa cụ thể, trực tiếp hơn, nhất là những giờ Toán có vẽ hình minh họa, các công thức, những định lý, định nghĩa. 

Thầy giáo Nguyễn Duy Quy (thứ hai, từ trái sang) bên các học trò ở Trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng)

Thầy giáo Nguyễn Duy Quy (thứ hai, từ trái sang) bên các học trò ở Trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng)

Thầy giáo đi đâu cũng hỏi mua... nam châm

Muốn tiết học thực sự có hiệu quả, nhất là hình học, theo như thầy Quy, không còn cách nào khác là phải tự làm đồ dùng dạy học trong điều kiện các thiết bị sản xuất dành cho học sinh khiếm thị rất khan hiếm. 

Thậm chí, những khái niệm như hình tam giác, tam giác cân, vuông cân, hình bình hành, hình thoi, đường trung tuyến, trung trực, góc... đối với học sinh khiếm thị cũng phải làm dụng cụ trực quan thì các em mới có thể hình dung được.

Thời gian đầu, với những tiết dạy có hình ảnh để minh họa, thầy Quy vẽ hình trên các bìa cứng bằng lưới hoặc bảng braille. Việc chuẩn bị đồ dùng dạy học cho mỗi tiết dạy rất mất thời gian bởi cứ mỗi hình mất khoảng từ 3 – 5 phút, và chỉ dùng được một lần. 

Để tiết kiệm thời gian và nguyên liệu, thầy Quy đã cố gắng làm ra nhiều đồ dùng dạy học như hình tam giác đa năng, tứ giác đa năng, bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học nhằm giúp các em dễ nắm bắt kiến thức và phần nào đỡ vất vả cho giáo viên. 

Nhưng những dụng cụ này cũng chỉ sử dụng được trong một chương, sang chương khác lại phải làm mới hoàn toàn. Mất hơn hai tháng mày mò, thử nghiệm, thầy Quy đã chế tạo ra bảng từ dạy học môn Toán. 

Xuất phát từ đặc thù của học sinh khiếm thị, tất cả các mô hình phải cố định, dù là một cách tương đối, để tạo cho các em thói quen tiếp nhận. Từ đó, thầy Quy nảy ra ý định dùng tính chất của nam châm để giữ ổn định các hình khối. 

Từ khi có ý tưởng làm bảng từ, như một thói quen, đi đâu thầy Quy cũng tìm hỏi nam châm để mua. Với bộ đồ dùng dạy học gọn nhẹ, phục vụ hầu hết cho chương trình học Toán ở bậc THCS và một số bộ môn khác, thầy Quy đã đạt giải thưởng trong nhiều hội thi ở các cấp.

“Có bảng từ rồi, tôi không còn mất nhiều thời gian chuẩn bị cho một giờ lên lớp như trước, nhưng các em HS không vì thế mà bớt vất vả. Bảng từ chỉ có tác dụng để dạy - học lý thuyết, minh họa các định nghĩa, định lý còn khi làm bài tập, học sinh nhất định phải vẽ hình vào vở. 

Vì hứng thú của HS, một tuần đục chữ C cũng xứng đáng!

Nhưng vẽ hình trên bảng Braille thì các em chỉ vẽ được những đường thẳng, đường ngang còn hình tròn thì “chịu chết”; mà cũng chỉ vẽ được hình tam giác, hình vuông… chứ hình thoi thì rất mất thời gian” – Thầy Quy kể.

Chính vì vậy, từ bảng từ, thầy Quy đã sáng chế thêm bảng lưới và các dụng cụ lắp ghép, vẽ hình môn Toán, giúp HS tiết kiệm được thời gian vẽ hình, nhất là các hình tròn. 

Để có được dụng cụ vẽ hình tròn này, lúc đầu, thầy Quy dùng hai thanh gỗ kẹp lại - có đục lỗ thủng để HS dùng bút kim loại dùi vào giấy - mô phỏng theo kiểu compa. 

Thế nhưng, vì làm bằng gỗ nên chỉ cần các em “dùi” một thời gian ngắn, các lỗ đục sẽ to dần ra, không thể định vị được, thầy Quy lại nghĩ cách thay đổi, chuyển sang dùng inox rồi dùng nhựa để “vừa nhẹ mà các em sử dụng cũng an toàn”. 

Công phu hơn cả là bộ hình mẫu cho các em. “Lúc đầu mới làm quen với môn hình học, tôi yêu cầu HS tự vẽ lấy để các em quen thao tác. 

Nhưng khi đã quen rồi, thì nhất định phải có dụng cụ hỗ trợ để các em tiết kiệm được thời gian vẽ hình để còn làm bài tập, nhất là trong thi cử. Chính vì vậy, tôi làm sẵn cho các em bộ hình mẫu”. 

Làm hình thì nhanh, nhưng công phu nhất là đục chữ nổi để dán ở hình mẫu. Hình được làm bằng giấy đề can, dán vào miếng nhựa rồi đục chữ, bọc lại để HS có thể sờ được chữ nổi. 

“Đục được chữ C không thôi cũng mất cả tuần rồi, nhưng nhờ những dụng cụ này, HS của mình hứng thú hơn trong học tập, tạo cho các em niềm say mê với bộ môn” - Thầy Quy tâm sự.

Thầy Quy đang làm đồ dùng dạy học môn Toán

Món quà chia tay đặc biệt

Tháng 10/2014, thầy Nguyễn Duy Quy được Sở GD&ĐT điều động làm Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai. 

“Ở Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu, mình cũng đã tiếp xúc nhiều với HS khiếm thính, tuy chưa thuần thục ngôn ngữ múa dấu của các em nhưng cũng đã có thể giao tiếp, trò chuyện với HS. 

Việc chuyển môi trường làm việc vì vậy cũng không có quá nhiều xáo trộn. Với môi trường giáo dục chuyên biệt, thì dù HS như thế nào, thầy cô giáo cũng đều phải có sự tận tâm, chia sẻ và đồng cảm”.

Cũng chính vì vậy mà trước khi rời Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu, từ chiếc gậy bình thường, thầy Nguyễn Duy Quy đã sáng chế ra chiếc gậy dò đường dành cho HS khiếm thị như là một món quà chia tay. 

Thầy đã tự mày mò, chế thêm mạch điện, lắp đặt thêm đèn led chớp nháy và loa phát âm thanh với mục đích đảm bảo an toàn cho người khiếm thị khi sang đường hoặc di chuyển ở các ngã ba, ngã tư. 

Sau 3 lần thử nghiệm, thầy Quy đã có sản phẩm hoàn chỉnh với tiêu chí đơn giản về thiết kế, chi phí càng thấp càng tốt. Với cây gậy này, những HS Trường Nguyễn Đình Chiểu thuận lợi hơn khi ra ngoài mua sắm vật dụng cá nhân, đi học hòa nhập ở các trường phổ thông trên địa bàn. 

Nhận 800.000 đồng từ giải thưởng, thầy Quy “sản xuất” thêm 3 cây gậy nữa cho HS và đồng nghiệp sử dụng. 

“Chỉ mất 120.000 đồng cho các thiết bị lắp đặt, cộng thêm tiền mua cây gậy khoảng 100.000 đồng nữa, sản phẩm này nếu nhân rộng ra thì rất tiện ích cho người khiếm thị. Nếu công ty nào có ý định sản xuất đại trà, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao” - Thầy Quy chân tình chia sẻ.

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Hà Nguyên