Cán bộ nào, phong trào ấy!
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, thầy Võ Đức Kế theo sự nghiệp trồng người từ năm 1980. Thuở ban đầu lương ba cọc ba đồng, nhiều người tạm gác nghề dạy học chuyển qua làm công tác khác thì thầy vẫn một lòng gắn bó với nghề.
Mặc dầu còn gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng do lòng yêu nghề mến trẻ nên thầy Kế không quản ngại mọi khó khăn của gia đình và xã hội; ở đâu, địa phương nào thầy vẫn luôn làm tốt công tác của mình. Các địa phương, các trường thầy công tác giảng dạy đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và tình cảm đẹp cho học sinh và mọi người yêu mến
.
Ở tuổi 59, thầy Kế đã có 36 năm tuổi nghề, 34 năm tuổi đảng, 23 năm làm công tác quản lý giáo dục , “Thầy giáo Võ Đức Kế thực sự là tấm gương sáng về trí tuệ, phẩm chất và nhiệt huyết trong ngành giáo dục, khiến nhiều người biết đến và trân trọng. Đúng là cán bộ nào, phong trào ấy” - Đó là nhận xét của nhiều đồng nghiệp, lãnh đạo khi nói về thầy giáo nhiệt huyết tỉnh Quảng Bình.
Nhiều năm giảng dạy, rồi làm vị trí quản lý trong ngành giáo dục, thầy Kế đã có nhiều công lao đóng góp cho trường và địa phương với nhiều thành tích đáng trân trọng: Xây dựng trường Tiểu học đạt Chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục đạt ở mức cao ổn định, học sinh giỏi và học sinh năng khiếu đạt nhiều giải qua các kỳ thi cấp huyện, tỉnh, quốc gia; đào tạo bồi dưỡng nhiều lớp học sinh trưởng thành nhất là học sinh giỏi, học sinh năng khiếu.
Việc tham gia các cuộc thi là một điều đam mê của thầy Kế. Cho đến nay, thầy đã tham gia rất nhiều cuộc thi như: Thi tìm hiểu 10 năm Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới; 410 năm thành lập tỉnh Quảng Bình; Luật Lao động; Hiến pháp năm 2013; Tìm hiểu Tem năm 2016…..Tất cả cuộc thi thầy đều đạt giải cao của cấp huyện, cấp tỉnh.
Thầy Võ Đức Kế - Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Thủy (Quảng Bình).
Mỗi nhà giáo là một tấm gương!
Trong suốt quá trình công tác, điều tâm đắc nhất của thầy Kế là hiệu quả công tác. Điều này cũng được thầy Hiệu trưởng nói đến trong bài thi Tự luận “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”: “Người giáo viên phải có trí tuệ và tài năng mới có thể đào tạo được những thế hệ công dân, cán bộ có tài cho xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một người thầy giáo giỏi không có nghĩa là phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu trọn tri thức nhân loại. Mỗi giáo viên cần thường xuyên trau dồi kiến thức, đặc biệt phải tinh thông trong lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục không được bằng lòng với kiến thức đã có. Người nói: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”.
Bác từng nhắc nhở: Trong sự nghiệp trồng người, đội ngũ giáo viên nếu chỉ có tài thôi thì chưa đủ, ngoài trí tuệ, tài năng, người giáo viên phải có đạo đức, phẩm chất tốt”.
Thầy Kế cũng là thí sinh cao tuổi nhất đạt giải phần thi Tự luận. Chia sẻ về cảm xúc khi nhận giải, thầy xúc động chia sẻ: “Một người “chèo đò” có đủ đức, đủ tài sẽ góp phần đào tạo nên những thế hệ học sinh có tài, có đức, có đủ năng lực để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Mỗi nhà giáo phải không ngừng nêu cao đạo đức, tác phong gương mẫu, thương yêu, gần gũi học sinh, gắn bó, đoàn kết với đồng nghiệp, thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.