Phút thăng hoa của người anh hùng trận mạc
Nói đến chiến thắng 30/4/1975 không thể không nhắc đến hình ảnh người chiến sĩ quân giải phóng kéo cờ trên Dinh Độc Lập bởi hình ảnh ấy đã tạc vào lịch sử, là biểu tượng của chiến thắng.
Hồi anh Thận còn sống, những lần về quê tôi thường xuống thăm anh, có lần cùng ngồi uống rượu với anh ở nhà riêng, có lần ở chòi bên đầm nuôi cá vược của anh.
Và trong những câu chuyện ấy bao giờ chúng tôi cũng nhắc đến chuyện kéo cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Anh kể về ngày chiến thắng ở Dinh Độc Lập, về chuyện kéo cờ một cách say sưa, rành rọt bởi với anh, đó là những kỷ niệm đẹp nhất, thiêng liêng nhất của đời trận mạc.
Câu chuyện bắt đầu từ buổi sáng 30/4, khi Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2) của anh nhận lệnh tiêu diệt cứ điểm cuối cùng của địch trên đường tiến vào Dinh Độc Lập - cầu Thị Nghè.
Bùi Quang Thận lúc ấy là Đại đội trưởng Đại đội 4 đã lệnh cho xe 843 bắn cháy một lúc 2 xe (M41 và M113) của địch rồi tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Anh Thận kể không khí lúc ấy tưng bừng lắm.
Xe 843 của anh đi tiên phong tiến vào Dinh Độc Lập với ý định phải húc đổ cánh cổng chính của dinh. Tôi hỏi: Anh không ngại cổng Dinh khi đó được cài hàng rào điện tử hoặc đặt mìn?
Bùi Quang Thận thản nhiên trả lời: Không ngại, mình hành động với tư cách của người chiến thắng! Tuy nhiên, cổng dinh rất chắc, xe 843 phải húc đến lần thứ ba mà nó vẫn cứ đứng trơ trơ.
Trong khi xe 843 bị dừng lại thì xe 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn kịp lao lên húc tung cánh cổng chính lao vào tiền sảnh của Dinh Độc Lập.
Bùi Quang Thận lập tức giật phắt lá cờ Giải phóng còn sạm khói súng cắm trên nóc xe lao ra khỏi xe tiến thẳng lên tầng 2 của Dinh
Độc Lập.
Tuy nhiên, đến bậc tam cấp của dinh, Bùi Quang Thận như bị đánh bật trở ra. Định hình lại anh mới thấy mình lao vào bức tường trong suốt mà lúc đầu không nhận ra, cũng chẳng biết nó là cái gì.
Học hết lớp 7 ở vùng quê nghèo, lạc hậu rồi vào bộ đội suốt ngày nằm rừng, nằm rú, chưa bao giờ nhìn thấy bức tường kính lớn như vậy - anh Thận thật thà bình luận.
Lên tầng 2, Bùi Quang Thận gặp một người béo trắng, mặc áo cộc tay mà mãi sau này anh mới biết là Đại tá Vũ Quang Chiêm - Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn.
Bùi Quang Thận yêu cầu anh ta đưa lên cột cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Ngay tức thì, mệnh lệnh của anh được thực thi. Tuy nhiên, người dẫn anh lên nóc Dinh không leo cầu thang mà đi bằng thang máy. Cũng chẳng biết cái thang máy là gì - Bùi Quang Thận thừa nhận.
Đến khi thấy người dẫn đường đưa tay bấm nút, thang máy mở ra lại giật mình ngần ngừ không bước vào, sợ nó đưa mình đi thủ tiêu - Bùi Quang Thận kể. Chỉ đến khi người kia nói là thang máy, đưa lên nóc Dinh anh mới dám tin.
Lên tầng thượng, anh Thận nhanh chóng hạ cờ địch xuống nhưng gỡ khó bởi cờ được cột bằng dây thép, anh quyết định xé.
Anh Thận kể: Kéo lá cờ Giải phóng lên được một đoạn, nghĩ thế nào lại hạ xuống, đoạn ghi vào góc cờ “11 giờ 30 ngày 30/4/1975”, phía dưới ký “Thận”.
Khi lá cờ Giải phóng đã phần phật tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Bùi Quang Thận cuốn vội cờ địch mang theo như một chiến tích của trận đánh cuối cùng.
Trên đường trở xuống, cờ Giải phóng đã tung bay ở khắp nơi trên các ô cửa của các tầng ở dinh Độc Lập - anh Thận kể.
Chuyện phong anh hùng cho Bùi Quang Thận cũng có nhiều điều phải suy ngẫm. Trước đây, trong hàng loạt bài viết của mình về ngày chiến thắng, về người kéo cờ lên nóc Dinh Độc Lập, tôi và các đồng nghiệp đều đưa ra câu hỏi: Bao giờ mới phong anh hùng cho Bùi Quang Thận?
Thời gian trôi đi....Trải qua rất nhiều trở ngại từ phía chính quyền địa phương, từ nhiều nguyên nhân, cuối cùng, vào ngày 17/12/2013, sau 38 năm kể từ ngày người anh hùng kéo cờ lên nóc Dinh Độc Lập, Lữ đoàn xe tăng 203 long trọng đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân truy tặng cho Bùi Quang Thận thì cũng là lúc người anh hùng của chúng ta đã trở về với cát bụi hơn 1 năm trời.
Anh đột ngột ra đi vào sáng sớm 24/6/2012 tại nhà riêng ở xã Thụy Xuân (Thái Thụy, Thái Bình), hưởng thọ 64 tuổi.
Việc ghi chép của Bùi Quang Thận trên góc cờ cũng có nhiều chuyện phải bàn. Có người cho rằng anh háo danh, không khiêm tốn khi ký tên mình lên lá cờ Giải phóng, rằng đây là chiến thắng của cả dân tộc, đâu phải của mình anh?
Vẫn gương mặt buồn buồn, anh Thận tâm sự: Mình học hết có lớp 7 rồi vào bộ đội với bao năm nằm rừng, nằm rú, đầu óc đâu mà nghĩ ra mọi chuyện như dư luận mổ xẻ, lúc ấy chỉ nghĩ sẵn sàng bất chấp hiểm nguy, nhanh chóng kéo cờ như một bằng chứng khẳng định chiến thắng.
Anh Thận kể: Sau này, Bảo tàng Lịch sử Quân sự còn cho người mang phần còn lại của lá cờ ngụy với những nút thép buộc về “khớp” với lá cờ anh cuộn lại mang về quê làm kỷ niệm mới chính thức công nhận Bùi Quang Thận là người kéo cờ.
Tuy nhiên, ngay cả khi Bùi Quang Thận chưa chính thức được phong anh hùng thì anh vẫn là người anh hùng trong lòng các đồng chí, đồng đội và hàng triệu người dân.
Ông Bùi Quang Thận kể chuyện về ngày chiến thắng với các em học sinh
Trở về “người nông dân bình dị”
Giờ thì anh Thận đã trở thành người thiên cổ, nhưng những mẩu chuyện về cuộc đời chiến đấu và quãng đời còn lại của anh ở quê nhà có sức lay động mãnh liệt với mỗi người viết, trong đó có tôi.
Càng trò chuyện với anh càng thấy phẩm chất anh hùng bắt đầu từ cuộc đời hết sức bình dị của một anh nông dân chân lấm tay bùn. Anh hùng ở Việt Nam là vậy.
Từ khói lửa binh đao, trên mình còn những vết thương, những chiến công hiển hách, Đại tá anh hùng Bùi Quang Thận lại trở về là anh nông dân đích thực.
Cũng tần tảo cấy lúa, trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn, nuôi cá, nuôi tôm, bán gas, chữa bình gas cho bà con khu xóm để cải thiện cuộc sống gia đình.
Có lần đến nhà hỏi anh đâu, chị vợ chỉ ra đầm. Đó là lúc đầm tôm của anh gặp dịch, tôm chết nổi lềnh bềnh. Lại một vụ thất thu - anh Thận cười hiền. Hết nuôi tôm, anh chuyển sang nuôi cá vược.
Căn chòi nhỏ bên đầm của anh có đủ tivi, radio và các dụng cụ phục vụ cho sinh hoạt tối thiểu. Gặp anh, tôi cười, đoạn bảo: Anh hùng gì mà vất vả vậy? Anh Thận lại bần thần: Thế này còn may chán. So với bao đồng đội của tôi ngã xuống nơi cánh rừng, trận mạc, có người không tìm được hài cốt, ông tính sao?
Ông Trịnh Quang Hiền - Bí thư Chi bộ thôn Vạn Xuân Đông - kể: Là người anh hùng trong chiến đấu, nhưng về với đời thường anh Thận sống mẫu mực, tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương. Có hôm trời mưa to, cống thoát nước trong khu bị tắc, anh Thận là người đầu tiên xắn tay áo lên khơi thông cống rãnh.
Theo lời ông Phạm Đức Phiệt - Trưởng phòng Giáo dục huyện Thái Thụy thì những năm sau này anh Thận thường xuyên đến các trường trong địa bàn huyện nói chuyện thời sự, nói chuyện về chiến thắng 30/4 với tư cách là nhân chứng lịch sử nhằm hun đúc cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng cách mạng.
Hằng năm, cứ gần đến ngày 30/4, anh Thận lại vào Thành phố Hồ Chí Minh theo lời mời của UBND thành phố, dự lễ kỷ niệm ngày chiến thắng, giao lưu với đồng chí đồng đội, với người dân cũng như đến các cơ quan, các trường nói chuyện về ngày chiến thắng.
Có năm ốm yếu không đi được phải ở nhà, nhưng lòng anh vẫn hướng về nơi ấy - Thành phố Hồ Chí Minh, Dinh Độc Lập (Thống Nhất ngày nay)..., nơi anh và đồng đội đã làm nên một kỳ tích lịch sử mà không phải người lính nào cũng có được.
Nhân ngày chiến thắng, ngày hòa hợp dân tộc, ghi lại đôi dòng về anh - người anh hùng Bùi Quang Thận. Xin dẫn lời chia buồn của Nguyễn Mai thay cho lời kết:
“Xin chia buồn cùng gia đình đồng chí Bùi Quang Thận, xin vĩnh biệt
một người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam - con người đã tạo một dấu ấn thời khắc lịch sử vào trưa 30/4/1975. Đồng chí là một tấm gương và là một bài học lịch sử sống động cho thế hệ trẻ Việt Nam học tập và noi theo.
Sẽ mãi mãi chỉ có một đồng chí Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập vào ngày lịch sử trọng đại của đất nước Việt Nam mà thôi... Tên của đồng chí sẽ còn mãi trong những trang sử
vàng của dân tộc Việt Nam".