In trang

Kí ức ngày 01/06 “chẳng thể phai mờ” của các cô gái xinh đẹp
Cập nhật lúc : 21:11 01/06/2015

Với những cô gái như Lưu Thị Hòa, Kim Phương, Thúy Quỳnh, Hương Quỳnh, luôn có kí ức về ngày Tết thiếu nhi đáng nhớ, như một góc nhỏ tâm hồn, lấp lánh và đáng quý, theo suốt cả cuộc đời.

Lưu Thị Hòa – Người đẹp miền cao nguyên đá lần thứ nhất

Mặc dù đã trưởng thành, nhưng trong lòng Hòa, Tết thiếu nhi 1/6 năm lớp 6 luôn là kỉ niệm khó phai. “Như thường lệ, ngày 1/6 năm mình lớp 6, các chú đến từng nhà một ghi nhận thành tích của tụi trẻ nhằm trao phần thưởng cho các cá nhân tiêu biểu.

Tối hôm đấy, mình háo hức cùng mọi người sắp xếp mâm cỗ, trang trí sân khấu và hồi hộp chờ đợi nhận phần thưởng, vì vừa vinh dự được nhận giấy khen Liên đội phó xuất sắc của trường và đạt giải khuyến khích cuộc thi do một tập đoàn lớn tổ chức. Tuy nhiên, mình chờ đợi mãi, cho đến khi kết thúc buổi liên hoan, vẫn không được gọi lên nhận quà”, Hòa chia sẻ.

Vì ai cũng có phần thưởng, chỉ mình là không nên Hòa đã khóc rưng rức. Đến ngày hôm sau, các chú mới nhận ra thiếu tên cô bạn trong danh sách và bổ sung phần quà.

Kí ức 1/6 “chẳng thể phai mờ” của các cô gái xinh đẹp

“Cô gái nhỏ cuối cùng cũng có phần thưởng ngày 1/6, và năm đó, cũng trở thành một kỉ niệm in dấu trong tâm trí mình cho đến bây giờ! Mình thấy rằng trẻ con luôn sống thực sự với những cảm xúc của mình, và đôi khi, chỉ một món quà cũng khơi gợi nhiều ý nghĩa”.

 Hoàng Kim Phương – Miss Áo dài Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng 2013

 Với những trẻ em trên khắp Việt Nam, 1/6 luôn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tuy nhiên, ở quê Kim Phương, mọi người không hề biết đây là ngày lễ của thiếu nhi. Nhưng cũng thật bất ngờ, vào 1/6 một năm cấp 1, Phương được mẹ dẫn đi mua quà.

 “Món quà ấy khiến Phương sướng rơn, nhảy nhót vui mừng. Đó là 3 cuốn vở trắng tinh, thơm lừng mùi giấy mới để mình chuẩn bị bước sang năm học mới. Có thể với một bạn trẻ sinh ra trong gia đình đầy đủ vật chất, sẽ xem những cuốn vở ấy khá bình thường nhưng với đứa bé nông thôn như Phương, lại là kỉ niệm bản thân sẽ nhớ mãi”, Phương bộc bạch.

 Phương cho biết, đó là lần đầu tiên cô bạn được mua vở sớm nhất và đầy đủ nhất để đi học. Gia đình khó khăn, gần như mỗi khi học hè hay thậm chí, bước vào học kì chính, Phương đều chưa được mua vở viết đầy đủ. Hay có năm, vì biết con gái thích chiếc xe đạp hai bánh sau cho trẻ con tập đạp, mẹ Phương đã hứa tặng cho nếu cô bạn học giỏi.

 Phương bày tỏ: “Thế mà đến lớn (học gần hết cấp 1 rồi), Phương vẫn chưa được mẹ thực hiện lời hứa, dù bản thân học rất giỏi. Hồi ấy, mình cũng giận mẹ nhưng lớn rồi mới thấu hiểu nỗi lòng của người lớn. Không phải mẹ không muốn mua, mà gia đình khi đấy khó khăn quá!

 Nghĩ về tuổi thơ, mặc dù thiếu thốn, nhưng mình thấy mọi thứ thật đẹp! Những khoảnh khoắc: vui sướng, hạnh phúc hay giận hờn, buồn bã của một đứa trẻ, đều khác một người trưởng thành! Mình trân trọng lắm!”.

 “Chị Ong vàng” Thúy Quỳnh

 Yêu thích các hoạt động nghệ thuật từ thuở bé nên đối với Thúy Quỳnh, điều kì diệu của những dịp lễ thiếu nhi khi đó, là được bố mẹ đưa đến cung thiếu nhi để tham gia các chương trình văn nghệ.

 “Thế giới tuổi thơ của mình khi đó rực rỡ sắc màu, nhiều cung bậc cảm xúc. Được trải nghiệm những gì mình thích, thực sự là cảm giác tuyệt vời. Sau đó, mình còn được bố mẹ dẫn đi thưởng thức những món bản thân thèm thuồng, mà ngày bình thường không có cơ hội để thử.

 Lớn lên một chút, mình may mắn là người mang lại niềm vui cho các em nhỏ trong ngày Quốc tế Thiếu nhi, với nhiều vai trò khác nhau trên sân khấu: dẫn chương trình, ca sĩ... Đó là niềm vinh dự lớn lao của Quỳnh! Nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên môi các em, trong lòng mình cũng như được lấp đầy, từng chút một!”.

 Với Quỳnh, dù những năm sau này không còn hoạt động trong lĩnh vực thiếu nhi, thì ngày lễ đặc biệt này luôn là một khoảng thời gian đặc biệt và giàu kỉ niệm của cô bạn.

 Hương Quỳnh – Á khôi trường ĐH Nội vụ Hà Nội

 Bố mẹ Quỳnh không tặng quà cho con cái vào Tết Thiếu nhi, mà cô gái nhỏ lại sinh hoạt với bạn bè và chi đoàn thanh niên ở xóm tại đình làng. Sau khi được chia kẹo, Quỳnh thưởng thức các chương trình văn nghệ rồi mới ra về.

 “Nhưng có một năm, khi còn rất bé, như thường lệ, mình và mấy anh chị chạy lên đình, đã không may sa vào vũng nước nên mất dép. Loay hoay tìm mãi không thấy, vì lo lắng và sốt ruột đến muộn không có quà, mình phải về nhà gọi mẹ tìm dép cho.

 Tìm xong, mình đến đình làng, chỉ được xem văn nghệ, còn kẹo đã chia xong rồi. Mình rất tủi thân, vừa khóc tu tu, vừa chạy về nhà. Giờ đời sống cao hơn, nhiều gia đình có điều kiện mua nhiều quà cho con cái, nhưng với chúng mình ngày xưa, được trải nghiệm như vậy đã rất vui và thích thú rồi! Giờ mình có muốn được quay trở về những năm tháng ấy, cũng không còn nữa!”.

 Quỳnh kể, nếu có tấm vé quay về những ngày hồn nhiên, tinh nghịch ấy, cô bạn chỉ mong muốn một điều giản dị: cùng nhóm bạn chạy lên đình liên hoan rồi chờ đợi màn chia bánh kẹo.

 “Ngày xưa, mình được chia xong, toàn giấu đi, để giơ tay xin tiếp. Tuổi thơ, là những ngày nghịch ngợm vô cùng! Có lần, mình còn lên chùa bẻ trộm hoa sứ về cho vào chén nước, chơi trò pha trà giống trong phim cổ trang, kết quả là bị bắt quả tang và ăn mắng tơi bời.

 Nhớ lại những kỉ niệm này, cảm xúc tinh khôi, trong trẻo vẫn vẹn nguyên trong mình, và cứ muốn kéo dài ra mãi”.

Theo Hoài Thư
Dân trí