Hoạt động chuyên môn
Ứng dụng CNTT hiệu quả tại trường vùng núi
GD&TĐ - Phó Hiệu trưởng trường THCS Tân Liên (Hướng Hóa, Quảng Trị) Lê Thị Tám cho rằng đối với công tác quản lí giáo dục ở trường vùng khó như Tân Liên, CNTT đã giúp việc thực hiện hồ sơ sổ sách và báo cáo, lưu trữ thông tin trở nên vô cùng nhẹ nhàng.
Vận dụng CNTT trong chỉ đạo, quản lí
Để làm tốt công tác này, kế hoạch hàng tuần, tháng, năm trong năm học đều được vi tính, niêm yết từ đầu tuần, đầu tháng để triển khai những nội dung trọng tâm giúp mọi thành viên trong hội đồng sư phạm nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác.
Thông qua hộp thư điện tử để thông tin hai chiều giữa nhà trường với cấp trên, với các tổ công tác, với giáo viên một cách dễ dàng và tiện ích.
Công khai địa chỉ email của trường để khi cần, giáo viên chủ động liên hệ, trao đổi công việc cũng như tâm tư nguyện vọng chính đáng của mình để được giải quyết và chia sẻ.
Đồng thời, thường xuyên truy cập website để kịp thời nắm bắt thông tin và các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, lịch công tác của Ngành… để nhà trường chủ động triển khai thực hiện.
Truy cập mạng internet để lấy những thông tin cần thiết phục vụ cho nhu cầu hoạt động của nhà trường.
Chỉ đạo và quản lí ứng dụng CNTT vào hoạt động giảng dạy
Có thể tổ chức các chuyên đề: Nâng cao hiệu quả trong việc ứng dụng CNTT vào quá trình giảng dạy cho toàn thể GV trong nhà trường.
Ngoài kế hoạch chương trình tập huấn ứng dụng CNTT, tập huấn dạy học Intel do Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị và Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa triển khai, nhà trường chủ động mở lớp tập huấn ứng dụng CNTT trong nhà trường.
Tại các lớp tập huấn này, giáo viên cốt cán và Ban giám hiệu nhà trường đã hướng dẫn giáo viên thực hành một số kỹ năng ứng dụng CNTT như: Chèn hình ảnh, âm thanh, cắt đoạn phim, tạo hiệu ứng liên kết các slide, cách truy cập các trang web để khai thác thông tin, hình ảnh… cần thiết để phục vụ soạn giảng trên các phần mềm.
Nhà trường cũng có sự đầu tư bền vững về điều kiện trang thiết bị kỹ thuật cao để giáo viên có điều kiện thuận lợi khi giảng dạy có trình chiếu, như: Tham mưu với Ngành và các cấp trang bị máy chiếu đa phương tiện - projector, màn hình cố định tại phòng học.
Tham mưu với địa phương và ban Đại diện cha mẹ học sinh để vận động xã hội hóa giáo dục trong việc mua sắm máy vi tính để phục vụ công tác dạy học, học Tin học của học sinh.
Nhà trường xây dựng kế hoạch đầu tư đối với giáo viên nòng cốt tại các tổ khối chuyên môn để phát triển phong trào dạy học ứng dụng CNTT.
Đồng thời, cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Ngành và Chương trình tổ chức như: Intel, phương pháp nhóm, PPDH tích cực bộ môn, đảo đề trắc nghiệm…
Đến nay giáo viên bậc THCS Hướng Hóa đều có kỹ năng sử dụng vi tính và thực hiện soạn giáo án trên các phần mềm, kỹ năng trình chiếu ngày càng được tăng cường, nhuần nhuyễn góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động dạy học.
Vận dụng CNTT vào công tác GD chính trị tư tưởng và các hoạt động phong trào
Ban Giám hiệu, Công đoàn cơ sở, Chi đoàn thanh niên, Đội TNTP Hồ Chí Minh và các bộ phận thuộc trường đều thường xuyên truy cập mạng để lấy thông tin, khai thác tài liệu, tư liệu… chính thống phục vụ cho công tác giáo dục CTTT.
Đây chính là nguồn thông tin khổng lồ, vô cùng tiện ích hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động trở nên thuận lợi và đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo cô Lê Thị Tám, việc vận dụng CNTT trong quản lí đã giúp cho Ban Giám hiệu nhà trường và các tổ chức, bộ phận trong nhà trường liên hệ và phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Thông tin nhanh, chính xác, giảm cường độ lao động thủ công đội ngũ. Thông tin hai chiều giữa nhà trường với phụ huynh học sinh (đặc biệt là việc nắm bắt kết quả học tập, rèn luyện của học sinh) kịp thời.
Việc đưa vào sử dụng các phần mềm: Quản lí điểm, xét Tốt nghiệp, đảo đề trắc nghiệm, xếp thời khóa biểu… của Sở GD&ĐT Quảng Trị mang lại tiện ích và hiệu quả cao cho công tác quản lí trong nhà trường.
Việc ra đề kiểm tra từ 15 phút trở lên đều có ứng dụng CNTT mà đặc biệt là đảo đề theo các mã… đã tạo được tính khách quan, chính xác khi đánh giá xếp loại học sinh trong quá trình thực hiện cuộc vận động“Hai không”. Qua đó vừa tạo được ngân hàng đề kiểm tra ngày càng phong phú, đa dạng…
Ngoài việc thực hiện tốt ứng dụng CNTT trong nội bộ, nhà trường còn hỗ trợ chính quyền địa phương khi có yêu cầu giúp đỡ trong việc vận dụng những tính năng của CNTT vào một số hoạt động như: Báo cáo Nghị quyết, làm thư mời…
Cán bộ quản lý cần đi tiên phong
Cô Lê Thị Tám cho rằng, Ban giám hiệu cần truyền đạt tinh thần ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động đến tất cả các thành viên trong hội đồng sư phạm. Chứng minh cụ thể tính hiệu quả mà ứng dụng CNTT mang lại trong quá trình công tác.
Luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ hoàn thành nhiệm vụ được giao với hiệu quả cao nhất, như: địa điểm giảng dạy, phương tiện máy móc, nguồn tài nguyên…
Nhân rộng gương điển hình về ứng dụng CNTT trong giảng dạy, công tác để đội ngũ học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các tiết thao giảng, chuyên đề, hội thảo…
Tham mưu tích cực với cấp trên, đặc biệt là địa phương và cha mẹ học sinh để nâng cao hiệu quả của công tác xã hội hóa giáo dục về việc đầu tư mua sắm cơ sở vật chất – kỹ thuật trường học trong quá trình ứng dụng CNTT.
Có kế hoạch đầu tư, bồi dưỡng để đội ngũ tự tin, mạnh dạn vận dụng ứng dụng CNTT trong công việc (Cử giáo viên cốt cán tham gia các lớp bối dưỡng, tập huấn do các cấp quản lí, lãnh đạo tổ chức…).
“Cán bộ quản lý phải vừa tiên phong trong ứng dụng CNTT vừa là người bạn đồng hành, sẵn sàng chia sẻ, học hỏi tất cả những thành viên trong nhà trường” – Cô Lê Thị Tám nhấn mạnh.
Số lượt xem : 1