Trang web địa chỉ http://www.teachingtipsmachine.com/ hàng tuần gửi đến những độc giả đã đăng ký một bức thư tin, thoạt nhìn tuy đơn giản nhưng nếu khéo áp dụng cho lớp học thì hiệu quả nhất định là trong tầm mắt. Các bức thư tin luôn khởi đầu bằng một câu hỏi nêu tình huống thường gặp trong lớp, sau đó là gợi dẫn ý chia sẻ kinh nghiệm:
Cho thời gian - giao nhiệm vụ
Thầy cô có muốn hạn chế những rắc rối nảy sinh trong việc quản lý lớp học? Câu trả lời sẽ là, bất kỳ lúc nào thầy cô cũng nên dành cho học sinh một nhiệm vụ nhất định và kèm theo đó là một khoảng thời gian đủ để hoàn tất công việc được giao trong lớp ấy.
Làm thế nào để có nhiều học sinh hiểu được và làm theo những lời hướng dẫn của thầy cô ? Gợi ý trả lời có thể là, mỗi khi thầy cô giao nhiệm vụ cho học sinh (đọc một bài đọc; làm bài tập; thực hiện hoạt động nhóm...), cần yêu cầu một, hai em lặp lại những lời hướng dẫn của thầy cô nêu trước đó.
Chẳng hạn như: “cho ba phút để các em chia sẻ ý trả lời của mình từ câu một đến câu năm”, thầy cô sẽ có những câu hỏi kiểu như “Em có mấy phút để làm việc thầy (cô) giao?” / “Thầy (cô) vừa yêu cầu em làm điều gì?” Nếu thầy cô gọi bất chợt vài em lặp lại lời hướng dẫn của mình, thầy cô sẽ thấy ngày càng có nhiều học sinh biết tập trung chú ý hơn.
Và đến lượt mình, khi học sinh đặt câu hỏi với thầy cô, hãy tự dành cho mình một khoảng thời gian chờ đợi nhất định để lựa chọn nội dung trả lời cho phù hợp ; sẽ thấy chúng hiệu quả hơn những câu trả lời vội vã, tiềm ẩn nguy cơ thiếu trước hụt sau của chính mình ở những lúc có thể sơ suất
Tôn trọng thể diện học sinh
Thầy cô có thường phát vấn và gọi học sinh trả lời câu hỏi một cách ngẫu nhiên, không nhất thiết căn cứ vào những cánh tay giơ lên tình nguyện? Thầy cô có cho phép học sinh lựa chọn cách đáp lời là: Xin phép không trả lời câu hỏi này để gọi tiếp một học sinh khác nhằm không làm mất thời gian chung của lớp?
Lợi điểm của việc cho phép học sinh chọn cách đáp lời này là thầy cô đã thể hiện cao độ sự tôn trọng thể diện học sinh trước lớp. Có thể nhiều người e ngại điều gợi dẫn này vì sẽ khiến nhiều em lạm dụng kiểu ấy để thoái thác câu trả lời.
Mẩu giấy thần kỳ
Thầy cô muốn dành cho lớp một dịp tốt cho việc ôn tập từng phần bài vừa học? Thế thì sao không thực hiện ngay hoạt động Làm ngay lúc này mỗi khi bắt đầu một tiết học? Đơn giản chỉ là một mẩu giấy ghi sẵn yêu cầu thực hiện một nhiệm vụ ôn tập theo ý thầy cô, đặt các mẩu giấy đó ở một vị trí cố định để mỗi khi học sinh vào lớp, các em tự đến lấy.
Hệ quả là, không chỉ học sinh có được những tài liệu gợi ý bài ôn hàng ngày quan trọng mà hoạt động này còn góp phần hạn chế những rắc rối có thể nảy sinh trong lớp vì một khi các em vừa bước vào lớp là đã có ngay tiêu điểm cần chú ý để thực hiện.Thầy cô có nghĩ rằng, địch thủ đáng ngại nhất trong dạy học, đó chính là thời gian? Có phải ta luôn trong tâm trạng lúc nào cũng thấy không đủ thời gian để chuyển tải những nội dung cần truyền đạt cho trò? Và do đó, có phải ta luôn tận dụng bất cứ địa điểm nào có thể là bổ sung ngay lời hướng dẫn cho các em?
Hãy làm điều đơn giản nhất: bắt đầu và kết thúc tiết học đúng giờ, bởi đó là hai thời khắc quan trọng nhất trong một giờ dạy. Hãy nghĩ đến điều giản dị nhất: Thầy cô bắt đầu tiết học đúng giờ là thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao những học sinh đến lớp đúng giờ và có thái độ học hành nghiêm túc.
Có phải đôi khi thầy cô sơ ý, quên thực hiện những việc đã định ra trong kế hoạch phác thảo từ đầu năm? Bức tường (hay bảng đen) ở cuối lớp, trực diện với ánh mắt của thầy cô chính là vị trí khá lý tưởng để ta đặt (viết / dán…) một vài lời gợi dẫn, nhắc nhở nhà giáo lưu ý không quên thực hiện những kế hoạch, những chiến lược giảng dạy trong từng học kỳ.
Không thể trách nhà giáo có thể vì lý do nào đó, xao lãng đi những dự định đã đề ra ban đầu cho lớp, do vậy, chính bức tường cuối lớp vốn ghi sẵn vài điều trích từ chiến lược giảng dạy sẽ là một người bạn tốt, luôn hướng ánh nhìn nhắc nhở thầy cô hãy nhớ làm điều đó...
Những gợi dẫn giá trị
Th.S Nguyễn Thị Mỹ Trang cho rằng, không phải 52 bức thư tin nhận lời khuyên hàng tuần sau một năm đăng ký đều là mới mẻ cả - và cũng có thể dị biệt ít nhiều; hoặc đôi khi nghe có vẻ trái khuấy với hoàn cảnh dạy học ở nước ta.
Nhưng ít ra, chúng luôn tạo cảm giác hài lòng, một gật đầu đồng ý khi biết rằng, đây đó trên thế giới này, ở châu lục kia, ở một lớp học xa xôi nghìn dặm nọ, vẫn có những nhà giáo đang đối diện với những vấn đề đủ mọi cung độ rộng hẹp; mọi tầng bậc lớn nhỏ… nảy sinh trong thực tiễn giảng dạy, đòi hỏi người thầy phải trực diện lý giải, xử trí.
Và do vậy, các bức thư tin gợi dẫn những chuyện bếp núc trong nghề dạy học là một điều hay, có giá trị tham khảo cao. Và người giảng viên có thể trao đổi kinh nghiệm với lớp sinh viên sư phạm trong những buổi hoạt động ngoại khóa trên cơ sở những gợi dẫn này.