Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục''

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Hoạt động dạy và học » Hoạt động chuyên môn

Hoạt động chuyên môn

Cập nhật lúc : 13:17 09/08/2014  

Phương pháp hiệu quả dạy học Ngữ văn theo hướng tích hợp

GD&TĐ - Phương pháp dạy học, tự bản thân nó không tích cực hay tiêu cực, không chủ động hay thụ động, không hướng vào người dạy hay hướng vào người học.

Phương pháp dạy học hiệu quả hay không là ở người sử dụng với mục tiêu và cách thức sử dụng riêng.

Do đó, không có phương pháp dạy học nào tự thân có thể tích hợp hay cũng không có phương pháp nào là hoàn toàn không thể tích hợp.

Xuất phát từ quan điểm này, ThS Lê Thị Ngọc Anh - Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Huế đã đề xuất một số phương pháp dạy học có thể sử dụng hiệu quả để tổ chức dạy học Ngữ văn theo định hướng tích hợp.

 

Thuyết trình

Đây là phương pháp dạy học mà chủ thể dùng lời để trình bày kiến thức, có thể tái tạo kiến thức cũ hoặc thông báo kiến thức mới. Do đó, chúng vẫn được “gán mác” là phương pháp thụ động, thiếu tích cực.

Tuy nhiên, thiết nghĩ sẽ khó có thể dạy học được nếu thiếu phương pháp này, đặc biệt đối với Ngữ văn. Thực hiện định hướng tích hợp, phương pháp này càng trở nên cần thiết.

Đây là phương pháp mà giáo viên và học sinh có thể sử dụng để củng cố kiến thức đã có, làm cơ sở để tiếp nhận kiến thức mới và hình thành kĩ năng mới, cung cấp, lí giải các kiến thức mới, khó; người dạy và người học cũng dễ dàng liên hệ mở rộng, so sánh đối chiếu liên môn hoặc xuyên môn để hiểu bài học thêm sâu sắc, thấu triệt.

Ví dụ: Thuyết trình về tiểu sử nhà văn, mở rộng liên hệ đến những vấn đề lí luận để từ đó có thể lí giải sâu sắc những nét phong cách nghệ thuật của tác giả, làm nền tảng cho việc tiếp nhận văn bản văn học trong mối quan hệ với cuộc sống lớn, cuộc sống nhỏ của tác phẩm...

Để đạt mục tiêu tích hợp một cách tích cực, khi sử dụng thuyết trình cần chú ý lựa chọn nội dung và chú ý cách thức thuyết trình, đặc biệt là thuyết trình nêu vấn đề để qua đó, học sinh không chỉ nắm được kiến thức phong phú, tinh chọn mà còn hình thành được kĩ năng thuyết trình, kĩ năng giải quyết vấn đề.

 

Nêu vấn đề

Đây là một phương pháp dạy học khó nhưng nếu thực hiện được sẽ mang lại hiệu quả dạy học hay, đặc biệt rất đắc dụng trong việc phát triển tư duy biện chứng và hình thành năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh.

Mấu chốt của phương pháp này là phát hiện được vấn đề, tạo tình huống có vấn đề và vật chất hóa thành câu hỏi nêu vấn đề để học sinh phải động não tư duy lựa chọn, giải thích, phản biện. 

Và, từ đó khám phá được tầng lớp ý nghĩa ngầm ẩn của tác phẩm cũng như hình thành được nhiều năng lực tư duy tương ứng, cụ thể hóa thành năng lực đọc văn và hướng tới hình thành kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng sống.

Thảo luận nhóm, Semina

Nhóm phương pháp này cũng trực tiếp hướng tới mục tiêu tích hợp kiến thức và kĩ năng. Để sử dụng thành công phương pháp này, giáo viên cần chú ý từ khâu lựa chọn vấn đề để tìm hiểu, thảo luận cũng như tổ chức học sinh làm việc chặt chẽ, đảm bảo mọi thành viên đều tham gia giải quyết vấn đề được giao.

Có như vậy, học sinh không những tự thu nhận được kiến thức phong phú mà còn hình thành được nhiều kĩ năng tương ứng như kĩ năng giải quyết vấn đề, trình bày vấn đề, giao tiếp, hợp tác.

Vấn đáp

Là phương pháp mà sự tương tác giữa học sinh - học sinh, giáo viên - học sinh được thực hiện thông qua hệ thống câu hỏi.

Để có thể sử dụng hệ thống câu hỏi theo định hướng tích hợp trong giờ dạy học Ngữ văn, giáo viên cần chú ý xây dựng hệ thống câu hỏi theo hướng phát triển từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, chú ý tính logic, tính hệ thống, tính liên tục; đa dạng hóa các dạng câu hỏi từ câu hỏi tái hiện kiến thức, câu hỏi liên hệ, so sánh, câu hỏi vận dụng giải quyết vấn đề, câu hỏi sáng tạo.

Qua đó, học sinh vừa tái hiện kiến thức, tiếp nhận kiến thức, vận dụng kiến thức.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả dạy học theo định hướng tích hợp, giờ dạy học Ngữ văn, ThS Lê Thị Ngọc Anh cho rằng cần đặc biệt chú ý khâu luyện tập, củng cố.

Đây là giai đoạn tổng hợp và vận dụng kiến thức một cách cao độ. Giáo viên cần dành khoảng thời gian hợp lí và có thiết kế cụ thể các dạng câu hỏi, bài tập luyện tập, củng cố để hoạt động này thực sự có hiệu quả chứ không phải mang tính hình thức, chỉ cho đủ bước.

Hải Bình (ghi)

Số lượt xem : 1

Các tin khác