Hoạt động chuyên môn
Học sư phạm vì ký ức đẹp của mẹ
(GD&TĐ) - “Có lẽ con sẽ không chọn thi vào trường Sư phạm nữa. Nghề này nguy hiểm lắm”, Dung nói với mẹ giọng dứt khoát sau khi tham gia buổi hướng nghiệp do nhà trường tổ chức cho học sinh lớp 12.
Thực tế chông gai
Chuyện là kết thúc giờ hướng nghiệp, nhóm bạn bắt đầu ngồi “đàm đạo” về những đặc thù nghề nghiệp khi chọn trường để nộp hồ sơ dự thi. Khi bàn đến nghề nghiệp yêu thích của mình, Dung ra sức bảo vệ những suy nghĩ tốt đẹp nhất, lung linh nhất về nghề giáo và nêu quyết tâm thi đỗ bằng được vào trường Sư phạm để thỏa ước mơ.
Rồi cô bé Dung “rớt bịch” xuống đất khi mấy người bạn lên mạng “sợt” bao nhiêu chuyện rủi ro của nghề giáo, nhất là với giáo viên nữ. Nào là học trò hành hung thầy cô đến mức phải nhập viện do bị cô ghi tên vào sổ theo dõi; nào là có người còn không dám nhắc thí sinh quay cóp chỉ vì sợ bị trả thù; không chỉ sợ học sinh, thầy cô nào dạy học ở khu vực “nóng” nhiều tệ nạn thì ngại cả phụ huynh nữa… Dung nghe tự dưng thấy hoảng.
Lòng bao dung của người mẹ thứ hai
Sau khi lắng nghe câu chuyện của con, mẹ Dung đã kể lại những câu chuyện nghề trong cuộc đời 35 năm làm giáo viên của bà. Dung nghe mẹ kể kỷ niệm bà nhớ nhất trong cuộc đời làm giáo viên của mình. Đó là một cậu học sinh cấp 3 bị sốc khi một ngày hay tin bố mẹ ly dị. Từ một học sinh chăm ngoan, bỗng chán chường tìm đến những trò chơi vô bổ, giao lưu với những kẻ mà người ta gọi là học sinh cá biệt băng nhóm.
Thậm chí có lúc bất cần đời tìm đến cái chết. Mẹ đã rơi những giọt nước mắt vì cậu học trò. Cái ngày cậu đánh nhau với bạn trong lớp, rồi nghênh ngang nhìn mẹ bỏ đi, mẹ đã khóc rất nhiều. Mẹ gọi điện cho cậu khuyên nhủ trở về lớp. Mẹ chờ cậu ở cổng trường, tìm đến nhà, và còn “bạo gan” vào cả quán nước nơi cậu đang cùng băng nhóm trốn tiết phì phèo thuốc lá. Cứ thế, mưa dầm thấm lâu, tình thương của mẹ đã giúp cậu trở lại trạng thái cân bằng. Cậu học trò nói với mẹ: Em hối hận quá, đáng ra em nên tâm sự hết với cô ngay từ đầu mới đúng.
Dung hiểu mẹ kể ngắn gọn thế thôi, chứ chắc mẹ phải mất bao nhiêu tâm sức cho cậu học trò năm xưa. Dường như mẹ chưa nói hết, rằng làm người mẹ ở trường chứ đừng coi mình là thầy cô giáo mà lúc nào cũng ở vị trí cao hơn, chỉ ra lệnh, không lắng nghe, chỉ yêu cầu, không tình cảm… Hãy đặt mình là người mẹ thứ hai của học trò, thương yêu và hơn cả là lòng bao dung, là sự hy sinh. Có lẽ cũng vì lý do này mà xưa nay nghề giáo luôn được xã hội coi trọng và tôn vinh là nghề cao quý.
Cho dù trong thời buổi kinh tế thị trường, đây đó có hiện tượng vô cảm tình thầy – trò; xói mòn đạo đức… nhưng dòng chảy mạnh mẽ, cuồn cuộn vẫn là bao tấm gương đạo đức nhà giáo, vẫn là lấp lánh những hồi ức đẹp của học sinh về các thầy cô giáo kính yêu của mình.
Bây giờ Dung đã là sinh viên năm thứ 3 của trường Sư phạm. Cùng với những kiến thức học được trên ghế nhà trường, những kinh nghiệm quý của mẹ và với quyết tâm cao, Dung tự tin sẽ trở thành một cô giáo được học sinh yêu mến.
Bảo Minh
Số lượt xem : 1