Những thầy giáo tốt dạy học bằng trái tim, chứ không phải bằng sách vở''

Ngày 26 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Hoạt động dạy và học » Hoạt động chuyên môn

Hoạt động chuyên môn

Cập nhật lúc : 14:24 27/04/2014  

Để hoạt động dự giờ không còn áp lực

GD&TĐ - Thực tế cho thấy giáo viên ít có nhu cầu dự giờ để học hỏi và tư vấn giúp đỡ đồng nghiệp, hoạt động dạy và dự giờ của giáo viên chỉ nhằm “mục đích” đủ số tiết chuẩn theo qui định.

Đa số giáo viên không thích dự giờ

Nhận định của cô Nguyễn Thị Bước - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng (Bến Tre), phần lớn giáo viên chưa tự giác, tích cực dự giờ của đồng nghiệp bởi tâm lý e ngại cho rằng đi dự giờ tức là đi kiểm tra tiết dạy của đồng nghiệp; đồng thời nghĩ rằng dự giờ thăm lớp là nhiệm vụ của Ban giám hiệu, của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, trong khi lẽ ra dạy và dự giờ phải là việc làm thường xuyên đối với mỗi giáo viên.

Đa số giáo viên đều không thích dự giờ vì nó tăng thêm áp lực cho họ, phải mất thời gian chuẩn bị, dạy mang tính trình diễn, đối phó, lại phải làm việc nhiều hơn; trong khi đó người dự giờ chỉ dự cho có lệ, không nhận xét đánh giá hoặc đánh giá một cách chung chung.

Người dạy không nhận được lời khuyên, không thấy được điểm mạnh, điểm yếu của mình để phát huy hoặc khắc phục dẫn đến sự nhàm chán, lơ là trong giảng dạy. Sự khó khăn trong hoạt động chuyên môn, thực hiện nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh của các giáo viên đó luôn cần có sự giúp đỡ của đồng nghiệp, của người quản lý giáo dục.

Cô Nguyễn Thị Bước cho rằng, người cán bộ quản lý phải làm thế nào để tất cả giáo viên nhận ra rằng công tác dự giờ thăm lớp không chỉ mang tính kiểm tra đánh giá mà quan trọng hơn nữa là sự tư vấn giúp đỡ lẫn nhau; người có kinh nghiệm giảng dạy phải tư vấn giúp đỡ cho người chưa có kinh nghiệm giảng dạy, giáo viên trẻ phải học hỏi giáo viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy.

Từ kinh nghiệm của mình, cô Nguyễn Thị Bước cho rằng, đầu tiên, người quản lý nên tiếp xúc với giáo viên, đưa các câu hỏi thăm dò về vấn đề này. Đồng thời, nêu rõ mục đích, ý nghĩa và kế hoạch dự giờ thăm lớp ngay từ đầu năm trong cuộc họp chuyên môn; lập danh sách đối tượng cần dự giờ và lĩnh vực muốn quan tâm …

Giảm bớt áp lực cho giáo viên

Muốn xây dựng kế hoạch khả thi, người quản lý phải có sự đồng thuận cao trong tập thể giáo viên, vì vậy người cán bộ quản lý cần trao đổi với các tổ trưởng chuyên môn, những giáo viên có thâm niên giảng dạy để tranh thủ ý kiến của họ. Sau đó tiến hành xây dựng kế hoạch, hoàn chỉnh kế hoạch và triển khai việc thực hiện.

Ban Giám hiệu nhà trường xác định việc dự giờ thăm lớp là hoạt động thườngxuyên trên tinh thần cởi mở trao đổi, học hỏi lẫn nhau để nâng cao trình độ tay nghề. Chú trọng kỹ năng lên lớp, khả năng giảng dạy để đạt hiệu quả cao.

Vì vậy khi có tiết dự giờ, người dạy không bị áp lực về soạn giáo án cũng như không phải "gồng mình" lên như một tiết hội giảng. Qua đó tạo được sự tự tin, thoải mái cho giáo viên và giáo viên cũng thể hiện một cách chân thực về năng lực của mình.

Bên cạnh đó, cần xác định mục đích chính của công tác dự giờ thăm lớp là nâng cao tay nghề, không mang nặng tính chất kiểm tra đánh giá.

Khuyến khích sự sáng tạo trong thực hiện một tiết dạy theo ý tưởng của mình, không nhất thiết phải lệ thuộc vào cách tiến hành một tiết dạy như quy định. Giáo viên có thể chủ động đề xuất giáo viên nòng cốt dự giờ của mình.

Đối với các giáo viên có thâm niên công tác lâu năm, trình độ tay nghề cao, không đặt nặng vấn đề về giáo án.

Việc thay đổi một số quy định nhằm giảm bớt áp lực cho giáo viên, thay vào đó là nhu cầu mình được giúp đỡ hoặc mình cần giúp đỡ người khác.

3 đợt dự giờ, thăm lớp

Với kinh nghiệm của mình, cô Bước cho rằng, dự giờ thăm lớp được tiến hành trong ba đợt.

Theo đó, đợt 1: Đội ngũ nòng cốt đi dự giờ giáo viên. Với đợt này, lưu ý, xác định dự giờ nhắm đến mục đích nào? Cần phải xem kỹ trước nội dung bài dạy của giáo viên và đặt mình vào vai trò người dạy thì mình tiến hành thực hiện bài đó. Quan sát, ghi nhận việc thực hiện tiết dạy, bao gồm: kiến thức trọng tâm, phương pháp giảng dạy, kỹ năng sư phạm;

Khả năng sử dụng các thiết bị dạy học sẵn có hoặc làm đồ dùng dạy học; khả năng liên hệ thực tế và lồng ghép việc giáo dục học sinh trong bài dạy; chuẩn bị các ý kiến để rút kinh nghiệm, tư vấn, thúc đẩy…

Đợt 2, thực hiện dự giờ thăm lớp các giáo viên dạy giỏi có nhiều kinh nghiệm. Khi dự giờ giáo viên giỏi, các giáo viên khác sẽ học được cách dẫn dắt học sinh vào bài dạy, kỹ năng giải quyết các bài tập khó thông qua sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, kinh nghiệm giảng dạy, sự sáng tạo trong việc truyền thụ kiến thức...

Hoạt động này là cụ thể hoá những vấn đề đã trao đổi ở đợt 1, giúp giáo viên tích lũy thêm những kinh nghiệm đã có.

Giáo viên có khoảng thời gian 4 tuần để áp dụng những kinh nghiệm đã có được trong các tiết của mình ở trên lớp.

Sau những hoạt động trên, qua trao đổi, rút kinh nghiệm để tiến hành đợt 3 đối với các giáo viên có tên trong danh sách đợt 1.

Lần này chủ yếu đánh giá sự tiến bộ của giáo viên. Giáo viên nòng cốt sẽ quan sát tiết dạy, lưu ý đến những hạn chế của lần dự trước xem đã được khắc phục chưa, ghi nhận những tiến bộ khác. So sánh trình độ tay nghề lần này với lần dự giờ trước.

Trong quá trình thực hiện dự giờ thăm lớp cần chú ý một số điểm sau: Phải có sự đồng thuận của giáo viên, tạo được sự tự tin, thân thiện, giúp giáo viên không ngại khi được dự giờ, khuyến khích giáo viên thể hiện khả năng thực tế của mình.

Đội ngũ giáo viên nòng cốt phải chân thực, nhiệt tình và có kinh nghiệm tư vấn, thúc đẩy.

Tôn trọng và khuyến khích sự mạnh dạn sáng tạo của giáo viên (có thể đó là sáng tạo chưa hợp lý)

Những giáo viên trong danh sách dự giờ thăm lớp không cần thiết đưa vào kế hoạch kiểm tra hoạt động của giáo viên, bởi vì việc dự giờ thăm lớp được diễn ra trong một thời gian dài, bản thân họ cũng đã chủ động thực hiện các nội dung trong kiểm tra hoạt động sư phạm giáo viên.

Cô Bước cho biết, phương pháp này đã được nghiên cứu và áp dụng trong thực tiễn tại trường THCS Tân Thiềng và đã mang lại hiệu quả thiết thực.

“Công tác dự giờ thăm lớp không phải là mới, nhưng để làm cho khoa học, hiệu quả, mang tính ổn định, theo một kế hoạch đã xây dựng chi tiết nhằm hướng đến việc nâng cao trình độ tay nghề và công tác chủ nhiệm thì đây là lần đầu tiên nhà trường thực hiện.

Mỗi trường có một đặc điểm riêng về đội ngũ giáo viên, tôi tin rằng những trường có đặc điểm về đội ngũ gần giống như trường THCS Tân Thiềng khi áp dụng đề tài này đều đem lại hiệu quả thiết thực” - cô Bước chia sẻ.

Hải Bình

Số lượt xem : 1

Các tin khác