Nếu không có người bạn tốt thì ta khó mà biết được những sai lầm của bản thân "

Ngày 26 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Hoạt động dạy và học » Hoạt động chuyên môn

Hoạt động chuyên môn

Cập nhật lúc : 14:51 16/11/2014  

Công nghệ thông tin không thể thay giáo án truyền thống

GD&TĐ - Bên cạnh những giờ học hiệu quả, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học còn nhiều trăn trở.

Cẩn trọng với “chiếu chép”, “nhìn chép”

Theo TS Phan Thị Luyến - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, vẫn còn khá nhiều bài giảng điện tử được soạn thảo trên powerpoint mang tính chất “trình chiếu”; một số giáo viên còn lạm dụng công nghệ thông tin nên hiệu quả dạy học chưa cao. Đôi lúc, việc trình chiếu dẫn đến hiện tượng “chiếu chép” hay “nhìn chép” thay cho việc “đọc chép” trước đây.

Do điều kiện phòng học có máy tính, máy chiếu còn hạn chế, nên việc sử dụng công nghệ thông tin chưa đều, có nơi giáo viên chỉ sử dụng khi thao giảng. Nhiều giáo viên sử dụng các bài soạn sẵn trên mạng mà không có sự sáng tạo, không phù hợp với đối tượng học sinh.

Phân tích nguyên nhân, TS Phan Thị Luyến cho rằng, kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng máy tính và các phương tiện hỗ trợ ở một số giáo viên còn hạn chế. Một số giáo viên trẻ, mạnh dạn sử dụng công nghệ thông tin nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong dạy học, do đó, chưa thiết kế các hoạt động trên lớp một cách hiệu quả để hỗ trợ học sinh tìm tòi, tiếp nhận kiến thức.

Một số giáo viên lớn tuổi tuy có nhiệt tình nhưng vẫn còn lúng túng khi thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử. Mặt khác, phương pháp cũ vẫn còn như một lối mòn khó thay đổi, sự uy quyền, áp đặt vẫn chưa thể xóa được ở một số giáo viên.

Thêm nữa, việc soạn bài giảng điện tử mất nhiều thời gian, do đó, nhiều giáo viên còn ngại sử dụng, thậm chí né tránh sử dụng công nghệ thông tin. Một số giáo viên thì chưa nghiên cứu kỹ việc sử dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy học, do đó đôi khi sử dụng không đúng lúc, không đúng chỗ, nhiều khi lạm dụng công nghệ thông tin.

Nhờ các nguồn tài liệu mở và sự trao đổi thông tin rộng rãi, một số giáo viên sử dụng bài soạn do người khác thiết kế mà không tính đến đối tượng học sinh, không hiểu hết ý đồ của người thiết kế, do đó, dạy học không hiệu quả.

Nguyên nhân khách quan là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy học, đặc biệt phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin của nhiều trường còn hạn chế: Thiếu phòng học chức năng, số máy tính phục vụ dạy học còn ít...

Không phải chủ đề dạy học nào cũng cần tới công nghệ thông tin

Đưa ra những giải pháp đồng bộ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, TS Phan Thị Luyến đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người giáo viên.

Theo đó, người giáo viên khi thiết kế bài dạy cần coi công nghệ thông tin như một phương tiện hỗ trơ giáo viên trong dạy học, hỗ trợ cách thức tương tác và giao lưu của giáo viên và họ sinh nhằm giúp người học tích cực, chủ động phát hiện, khám phá, tiến tới chiếm lĩnh tri thức, học tập một cách hiệu quả và sáng tạo.

Do đó, để ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên cần đầu tư nghiên cứu xem trong tiến trình bài học, nội dung nào, phần nào cần có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và với sự hỗ trợ đó, việc nhận thức được tích cực nhất.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cần phải chú ý tới việc tích cực hòa hoạt động học tập của học sinh. Khi thiết kế bài dạy, cần chú trọng đến hoạt động học tập của học sinh, thiết kế các hoạt động có tính chất nêu vấn đề, gợi vấn đề.

Ví dụ, với dạy học Toán, có thể sử dụng phần mềm có thể mô phỏng những chuyển động hình học, chuyển động điểm, sự biến thiên của đồ thị hàm số…, để người học có thể quan sát được điều mà các phương tiện khác khó có thể thực hiện được.

Giáo viên cũng cần lựa chọn chủ đề thích hợp, không phải chủ đề dạy học nào cũng cần tới công nghệ thông tin.

Chủ đề dạy học tích hợp là những chủ đề có thể dùng công nghệ thông tin để hỗ trợ dạy học và tạo ra hiệu quả dạy học tốt hơn khi sử dụng các thiết bị dạy học truyền thống. 

Dựa vào thiết kế bài học và kinh nghiệm của mình, giáo viên lựa chọn hoạt động cần có sự trợ giúp của công nghệ thông tin và sự trợ giúp này đúng lúc, đúng đối tượng và đủ thời gian, thực sự hiệu quả, đạt được mục tiêu đặt ra.

Cần tránh chọn những chủ đề, những tiết học và việc thiết kế mất nhiều thời gian nhưng khi dạy học thì hiệu quả không cao.

“Công nghệ thông tin không thể thay giáo án truyền thống, thay thế toàn bộ vai trò người thầy mà chỉ là một trong những phương tiện hỗ trợ thầy trò để nâng cao hiệu quả dạy học. Nên kết hợp với các phương tiện truyền thống khác như phấn bảng, mô hình, dụng cụ… để phát huy cao nhất hiệu quả tiết học” - TS Phan Thị Luyến nhấn mạnh.

Hải Bình

Số lượt xem : 1

Các tin khác