Đổi mới giáo dục
Sử dụng điện thoại trong giờ học: Không để lợi bất cập hại
GD&TĐ - Quy định sử dụng điện thoại trong giờ học của Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học được ban hành kèm theo Thông tư 32/2020 có hiệu lực từ đầu tháng 11/2020.
Thực tế một vài năm gần đây, nhiều trường đã chủ động, linh hoạt trong triển khai và phát huy tích cực của điện thoại thông minh vào dạy và học.
Công cụ học tập hiệu quả
Cô Nguyễn Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Lào Cai (thành phố Lào Cai, Lào Cai) cho biết: Xác định phát huy hiệu quả của điện thoại thông minh trong dạy và học, nhà trường triển khai đồng loạt các giải pháp.
Cụ thể, trước ngày 1/11, nhà trường tiến hành phổ biến chuyên môn cho GV chủ nhiệm, từ đó GV chủ nhiệm phổ biến lại cho HS. Nhân ngày Pháp luật Việt Nam, trường mời chuyên gia sở Tư pháp đến tuyên truyền cho GV và HS với chủ đề an ninh mạng. Trong đó đề cập tới Thông tư 32, hướng dẫn HS những quy định cụ thể về sử dụng điện thoại trong giờ học…
Từ năm học trước, trường đã triển khai một số cuộc thi, kiểm tra để HS làm bài trên điện thoại di động hoặc bằng máy tính kết nối mạng. Cùng với đó, ở một số tiết học, GV đặt câu hỏi và yêu cầu HS tìm hiểu vấn đề qua điện thoại...
Trường THPT số 2 Bảo Thắng (huyện Bảo Thắng – Lào Cai) đã tổ chức thi thử trên điện thoại. Ảnh: NTCC
Đặc biệt, nhà trường có quy định cụ thể trong việc quản lý điện thoại của HS (điện thoại cho vào hòm quy định trong các giờ học mà GV không yêu cầu sử dụng điện thoại; chỉ dùng điện thoại vào giờ ra chơi, lúc hết giờ). Như vậy, HS sẽ sử dụng điện thoại đúng mục đích, không bị phân tán tư tưởng trong giờ học...
Cô Hoàng Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: Tùy theo đặc thù bộ môn và phụ thuộc vào tính chất của tiết dạy, GV quyết định HS có sử dụng điện thoại hay không. Môn nào cần ứng dụng điện thoại vào dạy học, GV đăng ký trước với nhà trường.
Thời điểm này, cơ bản GV của trường chỉ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy trên lớp thông qua thiết bị máy chiếu, màn hình... được trường trang bị sẵn nên ít tiết học ứng dụng điện thoại di động (bởi đa số HS của trường con em lao động nghèo, gia đình không trang bị điện thoại thông minh). Với những môn học đòi hỏi ứng dụng CNTT cao nhà trường triển khai trong phòng học bộ môn để bảo đảm hiệu quả giảng dạy mà tất cả HS đều được tham gia học tập.
Tại Trường THPT số 2 Bảo Thắng (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), để việc sử dụng điện thoại di động trong giờ học đạt hiệu quả, nhà trường một mặt xây dựng quy chế sử dụng điện thoại trong trường học (trong đó tập trung điều chỉnh hành vi của đối tượng sử dụng điện thoại trong và ngoài giờ học). Mặt khác, yêu cầu GV chia sẻ quy định về việc sử dụng điện thoại trong trường học để phụ huynh, HS hiểu và nắm rõ...
Tăng cường định hướng từ GV
GV, HS Trường THPT số 2 Bảo Thắng (huyện Bảo Thắng – Lào Cai) đã vững vàng với sử dụng điện thoại di động trong dạy và học. Ảnh: NTCC
Cô Nguyễn Thị Hồng cho rằng: Để điện thoại di động thành công cụ học tập hiệu quả trong trường học phụ thuộc nhiều yếu tố. Trước hết, cơ sở vật chất đường truyền mạng của nhà trường phải bảo đảm, HS được trang bị đầy đủ điện thoại thông minh. Đặc biệt, GV phải là người dẫn dắt, hướng dẫn, quản lý HS hiệu quả khi sử dụng điện thoại trong học tập. Nếu GV không vững vàng chuyên môn, thiếu tận tâm... , HS hoàn toàn có thể lợi dụng điện thoại thông minh vào những mục đích riêng, không đúng yêu cầu.
Cô Hoàng Thị Thanh bày tỏ: Nhà trường không cấm HS mang điện thoại tới trường. Song việc ứng dụng điện thoại vào giờ học tại lớp còn tùy thuộc vào tình hình thực tế. Bài học có cần thiết không? HS có điện thoại thông minh hay không? Nếu lớp không đáp ứng được yêu cầu, việc dạy học vẫn phải tiến hành trên thực tế sách vở.
Thầy Hoàng Văn Việt – Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Lào Cai) chia sẻ: Cách đây 3 năm nhà trường khá vất vả trong việc quản lý HS sử dụng điện thoại. Tuy nhiên qua một thời gian, nhận thức, hành vi của HS đã thay đổi. Qua một số điều tra, thăm dò tại trường cho thấy, HS không háo hức với điện thoại như thời gian mới được dùng và bị cấm đoán. Hiện nay dưới sự hướng dẫn, định hướng, kiểm soát chặt chẽ của nhà trường, GV đa số HS đều coi điện thoại di động như đồ dùng học tập bên cạnh sách vở...
Thầy Việt khẳng định: Để HS sử dụng điện thoại vào học tập hiệu quả thì vai trò của GV vô cùng quan trọng. GV phải thay đổi nhận thức, vững vàng về chuyên môn để sử dụng thành thạo và ứng xử phù hợp với từng tình huống sư phạm trên lớp.
Đặc biệt, để ngăn chặn HS sử dụng điện thoại thông minh sai mục đích khi lên mạng nhà trường có quy chế và giao tiểu ban giám sát (Đoàn thành niên) thường trực trên mạng xã hội giám sát các tài khoản của HS lập trên mạng xã hội (TikTok, Zalo, Facebook...). Trường hợp nào nội dung không phù hợp với quy tắc ứng xử văn hóa của nhà trường và quy định của Bộ GD&ĐT sẽ xử lý kịp thời
Với cách triển khai phù hợp, hơn 90% HS (có điện thoại di động) của trường đã sử dụng thoại di động vào học tập hiệu quả. GV, HS vững vàng với ứng dụng CNTT. Hạn chế đáng kể mặt trái của CNTT mang đến cho HS trong quá trình học tập. Đây là tiền đề quan trọng để nhà trường đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào dạy và học thời gian tiếp theo.
Số lượt xem : 1