Bé chẳng học, lớn làm gì?''

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Hoạt động dạy và học » Chuyên đề - SKKN

Chuyên đề - SKKN

Cập nhật lúc : 08:09 31/03/2018  

Xoá không khí căng thẳng trong giờ học

GD&TĐ - Một câu hỏi đặt ra là tại sao cứ đến phần kiểm tra soạn bài và kiểm tra bài cũ trong các lớp học ở trường phổ thông thì cả cô và trò đều căng thẳng? Xin chia sẻ phương pháp của hai giáo viên sau…

Giáo viên thứ nhất:

Để học sinh có thể phát biểu trong giờ học giúp lớp học thêm sôi nổi, giáo viên này bắt học sinh phải soạn bài thật kĩ ở nhà. Soạn bài thật kĩ ở đây được hiểu là phải ghi phần soạn bài vào vở bài soạn và nhớ luôn tri thức đã soạn. Ngoài môn Ngữ văn, nhiều giáo viên các môn học khác cũng yêu cầu học sinh soạn bài vì sợ rằng học sinh sẽ chẳng có một ý niệm nào khi bước vào bài mới và bài cũ thì sẽ theo gió bay đi.

Trên lớp, giáo viên kiểm tra rất gắt gao việc soạn bài. Thông thường, giáo viên mất khoảng 10 phút mỗi tiết để kiểm tra việc soạn bài và “xử lý” những bạn học sinh “quên” soạn, hoặc có soạn nhưng “để quên” tập ở nhà, hoặc soạn sơ sài, lấy lệ… Sau đó, giáo viên này dành thời gian kiểm tra bài cũ theo trình tự: gọi học sinh lên bảng-hỏi-học sinh trả lời-giáo viên cho điểm hoặc nhắc nhở… làm mất thêm một khoảng thời gian nữa. Hai công việc này nhiều khi mất đến 15-20/45 phút của tiết học.

Những tiết học do những giáo viên này phụ trách bao giờ cũng căng thẳng. Khi “xử lý” một vài học sinh mắc lỗi trong việc soạn bài hoặc học bài cũ, giáo viên đã vô tình hoặc cố ý buộc các học sinh khác phải nghe những lời trách phạt, nhiều khi ngôn ngữ mang tính ám thị, tính khái quát rất cao (ngôn ngữ mang đặc trưng của giáo viên) khiến học sinh thấy mệt mỏi, chán nản, thiếu niềm vui trong học tập.

Mục đích cuối cùng của việc soạn bài là giúp học sinh bước đầu nắm được nội dung đơn giản của bài học, từ đó, các em năng động hơn trong tiết học, phát biểu sôi nổi hơn đều không đạt được. Hệ quả sinh ra từ phương pháp giảng dạy này: Học sinh chán ghét cách hành xử của giáo viên dẫn đến chán ghét môn học, việc soạn bài trở thành công việc mệt mỏi, bị ức chế.

Trong lớp, học sinh dù biết trả lời những câu phát vấn của giáo viên nhưng lại có hành động phản ứng tiêu cực, không giơ tay phát biểu. Lớp học trầm nên giáo viên cảm thấy mình lạc lõng, không được học sinh hưởng ứng, dần dần cảm thấy chán nản, không còn hứng thú dạy học. Vì vậy, mục đích học tập thường khó đạt được.

 

Cô trò lớp 9/1 Trường THCS Lạc Hồng, TPHCM trong một tiết dạy

Cô trò lớp 9/1 Trường THCS Lạc Hồng, TPHCM trong một tiết dạy


Giáo viên thứ hai:

Giáo viên này cũng rất coi trọng việc soạn bài, thực hiện việc soạn bài theo hai hình thức: viết để biết và biết khỏi cần viết vì mục đích soạn bài là để biết những nội dung chính, sơ lược của bài sẽ học (thậm chí có giáo viên chỉ cần học sinh đọc qua bài mới trước, không cần viết soạn).

Giáo viên này cũng kiểm tra việc soạn bài của học sinh nhưng bằng cách gọi học sinh lên kiểm tra bài cũ. Như vậy, cùng một khoảng thời gian, giáo viên đã thực hiện hai thao tác dễ gây ức chế nhất tiết học.

Cách thức kiểm tra bài cũ bằng miệng của giáo viên này cũng như bao giáo viên khác nhưng cách kiểm tra soạn bài thì có khác. Nếu học sinh trả lời được câu hỏi tái hiện kiến thức đơn giản ở bài mới thì giáo viên coi học sinh đó có soạn bài nhưng thiếu phần viết soạn. Điểm soạn sẽ bị trừ 1 phần. Công thức tính thường như sau:

Điểm kiểm tra bài cũ (8/10) + Điểm kiểm tra soạn bài (2/10) = 10 điểm

Trong đó, điểm kiểm tra soạn bài là 02 điểm nếu học sinh trả lời được một vài chi tiết đơn giản trong bài mới và có viết bài soạn, và được 01 điểm nếu học sinh chỉ đáp ứng được một trong hai yêu cầu: trả lời được chi tiết trong bài mới (nhưng không ghi phần bài soạn) hoặc có ghi phần bài soạn (nhưng không trả lời được chi tiết trong bài mới).

Việc lấy điểm số để đánh giá mức độ nghiêm túc trong việc soạn bài mới giúp kích thích khát khao được 10 điểm trọn vẹn trong phần kiểm tra miệng bài cũ của học sinh. Việc đánh giá mức độ nghiêm túc trong việc soạn bài của học sinh mang tính định lượng rõ rệt, giáo viên không phải mệt mỏi gò ép học sinh, học sinh cũng cảm thấy hài lòng vì có sự minh bạch trong điểm số của phần kiểm tra này.

Ngoài ra, những giáo viên này thường không bắt học sinh phải soạn hết tất cả các câu hỏi trong Sách giáo khoa mà chỉ yêu cầu học sinh soạn rất ít, chọn kỹ câu hỏi cần thiết, thậm chí không soạn bài theo Sách giáo khoa mà đặt câu hỏi khác cho học sinh tìm hiểu. Do đó, học sinh cảm nhận được sự quan tâm của giáo viên trong việc này và việc soạn bài cũng không làm cho học sinh cảm thấy nặng nề, áp lực.

Thường những giáo viên áp dụng cách này có cách dạy rất linh hoạt, tôn trọng học sinh, ít la mắng học sinh, công bằng trong việc đánh giá năng lực học sinh, do đó thường được học sinh yêu mến. Tiết học của những giáo viên này thường sôi động, học sinh nắm được bài trên lớp, ít phải học bài về nhà. Việc dạy và học cũng trở nên nhẹ nhàng, tình cảm thầy trò chân thành, gần gũi.

Hiện nay, tài liệu tham khảo, internet phát triển như vũ bão, học sinh có thể tra cứu thông tin ở bất cứ đâu, thời gian nào nên việc dùng giấy bút để viết lại những gì người khác đã làm sẵn là công việc thực sự rất mất thời gian, công sức, vô nghĩa. Thay vì mất thời gian để viết lại những gì có sẵn, giáo viên nên hướng cho học sinh đọc kỹ sách giáo khoa, đọc thêm sách khác để suy ngẫm, phát biểu những điều mình cảm nhận, suy nghĩ.

Một trong hai phương thức lên lớp được giới thiệu bên trên của hai giáo viên, dù chọn hình thức kiểm tra soạn bài và kiểm tra bài cũ như thế nào, giáo viên cũng chỉ có một mong muốn duy nhất là giúp học trò tiếp thu được tối đa tri thức. Tuy nhiên, phương pháp khác nhau thì kết quả khác nhau. Nên chọn hình thức nào còn phụ thuộc vào cái tâm, cái tầm và sự sáng tạo của mỗi cá nhân nhà giáo.

 

 

Hà Thị Thu Phương (Trường Đại học Văn Hiến)

Số lượt xem : 1

Các tin khác