Muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài "

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Gương mặt tiêu biểu » Gương mặt nhà giáo

Gương mặt nhà giáo

Cập nhật lúc : 14:03 07/10/2016  

Thầy giáo bám đảo, thương trò và nghị lực vượt khó đáng khâm phục!

GD&TĐ - Gắn bó với học sinh biển đảo đã được 14 năm, thầy Lưu Thế Sơn không chỉ chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, mà hoàn cảnh gia đình của thầy cũng như nghị lực kiên cương vươn lên vượt khó khăn đã khiến các giáo viên và học trò Trường PTCS Ngọc Vừng (Vân Đồn, Quảng Ninh) khâm phục.

Gà trống nuôi con, 7 lần chuyển chỗ ở!

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, thầy Sơn được phân công về dạy học trò của xã đảo Ngọc Vừng. Những ngày đầu mới ra đảo, cuộc sống quá nhiều khó khăn như thách thức thầy giáo trẻ.

Điện, đường không có, thời tiết khắc nghiệt, cơ sở vật chất trường học thiếu thốn nhiều, thầy Sơn không ít lần nản chí. Nhưng những buổi học được tiếp xúc với học trò, thầy giáo dạy Văn – Địa này đã yêu mến học trò của mình lúc nào không hay. Đó cũng là động lực lớn nhất để thầy quyết tâm ở lại đảo.

Nhưng chấp nhận bám đảo đồng nghĩa với việc phải có những gian nan. Thầy Sơn đưa vợ con ra đảo, khi thì thuê nhà ở giá rẻ, lúc thì ở tạm trong khu tập thể. Người dân thấy hoàn cảnh của thầy khó khăn, hai con cũng lớn mà chỗ ở chật chội nên cho mượn tạm các phòng còn thừa để ở.

Tính đến nay, thầy đã 14 năm trong nghề và cũng đã 7 lần chuyển nhà từ nhà thuê, nhà mượn, nhà tập thể. Cho đến năm 2015, thầy cũng đã cố gắng vay mượn thêm để mua một căn nhà cho con cái có chỗ học hành, không phải lo lắng chuyển nhà.

Tuy nhiên, câu chuyện mà các giáo viên khâm phục nghị lực vươn lên của thầy Sơn chính là chuyện gia đình không hạnh phúc mà thầy giáo trẻ một mình gắng sức nuôi hai con nhỏ.

Chia tay người vợ đầu, thầy Sơn lầm lũi nuôi hai con ăn học. Ba bố con nương tựa vào nhau mà sống. Ngày ấy, đồng lương giáo viên còn ít ỏi, thầy Sơn ngày đứng lớp, hết giờ về nhà nhận sửa xe đạp, xe máy, đi đánh bắt cá để kiếm thêm tiền. Mỗi chiều, nhìn ba bố con bảo ban nhau từ bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành, bài vở mà không khỏi xót xa.

Nhưng, khép lại trang nhật ký buồn, thầy Sơn may mắn gặp người vợ hiện tại hiền lành, đảm đang. Chị tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình Hà Nam, đã có công ăn việc làm ổn định.

Nhưng khi gặp bố con thầy Sơn, chị không cầm lòng: Nhìn cảnh ba bố con ở trong căn phòng mượn chật chội, bố vụng về chải tóc cho con, lại thấy thương xót vô cùng…

Chính vì tình thương đến tình yêu và quyết định gắn bó với anh suốt cả cuộc đời, chị bất chấp lời khuyên của bố mẹ, bạn bè mà lấy anh, làm chỗ dựa cho các con anh. Và khi lấy anh, cũng là khi chị về đảo sống, xa đất liền, người thân và công việc cũng đành gác lại.

Chị vẫn nói: Tôi chỉ muốn là hậu phương vững chắc cho anh yên tâm công tác, là người mẹ thứ hai của các con anh và sẽ bù đắp những thiệt thòi thiếu thốn tình cảm của các cháu. Tôi cũng không hối hận khi lấy anh vì đó là người đàn ông hiền lành, chăm chỉ, thương yêu học trò.

Giờ, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, chị lại đang mang bầu nhưng vợ chồng con cái đùm bọc cùng nhau phấn đấu. Ai nấy cũng mừng cho thầy giáo của xã đảo.

Dạy Văn nhưng dẫn đoàn học sinh thi điền kinh!

Không chỉ đa tài với nhiều nghề khác nhau để sống, thầy Sơn còn được học trò và giáo viên quý mến bởi sự nhiệt tình trong công tác giảng dạy. Chuyên môn chính là dạy môn Văn và Địa lý, nhưng nhiều lần trường thiếu giáo viên các bộ môn, thầy Sơn cũng tham gia đứng lớp.

Đặc biệt, thầy còn tự tìm hiểu thêm bạn bè ở đất liền để dạy lại học trò cho chuẩn kiến thức. Thầy Sơn còn dạy Thể dục và còn dẫn đoàn học sinh đi thi điền kinh.

Kỉ niệm nhớ nhất với thầy giáo trẻ là những lần đi đôi chân trần trên cát bỏng rát đến từng nhà học sinh vận động các cháu đến trường.

Học sinh ngoài biển đảo vốn thiệt thòi nên chưa tập trung vào việc học, gia đình lại khó khăn nên nhiều trò bỏ học để đi biển. Không quản ngại khó khăn, đường đi lại toàn cát sụt lún, thầy Sơn vẫn đi bộ đến tận nhà quyết đưa các em trở lại trường.

Thầy Sơn kể: Tôi còn nhớ mãi, có lần học sinh đi học bổ túc nhưng đến giờ học lại đi biển đánh cá. Tôi vội vàng ra cảng để “dỗ” trò quay lại lớp. Học xong, tôi lại đưa học sinh đi làm việc phụ giúp gia đình. Thương các trò ngoài đảo, giờ tôi không có ý định về đất liền nữa!

Thầy Sơn vinh dự được nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Đồn chọn là một trong số những giáo viên được Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long chọn để tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô sắp tới.

Đối với thầy, gia đình và trường PTCS Ngọc Vừng, đó là vinh dự lớn lao, là sự động viên tinh thần to lớn để các giáo viên bám đảo dạy chữ thêm tình yêu với nghề.

 

Thầy Lưu Thế Sơn là một trong số 42 giáo viên biển đảo được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Là năm thứ hai tổ chức chương trình, Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long – chia sẻ: Mỗi năm là một cảm xúc khi đến với các thầy cô. Tôi cũng từng là một giáo viên và tôi khâm phục các thầy cô giáo nghị lực vươn lên đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà…

Ngọc Trang

Số lượt xem : 1

Các tin khác