Khi hỏi về bí quyết để đạt được thành tích trên, cô Liễu chia sẻ: “Chỉ cần mình thực sự tâm huyết, yêu nghề và quyết tâm làm thì mọi việc sẽ trở nên rất dễ dàng…”.
Chuyến đi đầy ý nghĩa
Sau thành tích xuất sắc tại Vòng chung kết cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng Công nghệ thông tin (CNTT) năm 2014, cô Nguyễn Thị Liễu cùng với hai giáo viên khác tại TPHCM và Hà Nội được Microsolf Việt Nam chọn tham gia Diễn đàn toàn cầu được tổ chức tại trụ sở chính của Tập đoàn Microsolf ở Redmond (Mỹ) với sự tham dự của hơn 250 giáo viên (GV) của 87 quốc gia trên thế giới.
Trước khi tham dự diễn đàn, cô Liễu cùng các GV phải cùng nhau trao đổi rất nhiều tại một trang Facebook do BTC mở ra. Ở đó, các GV dự kiến tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu sẽ trao đổi, chia sẻ, kết nối và học online, làm bài tập nhỏ với nhau về công nghệ nhằm hỗ trợ cho giáo dục. Những phần mềm của Microsolf mà các giáo viên sử dụng hiệu quả như Onenote, Office 365, Excel Sway, Skype, E-Learning …
Chia sẻ về chuyến tham gia tại Diễn đàn Giáo dục toàn cầu lần thứ 11 của Microsolf năm nay, cô Liễu cho biết: Năm nay, diễn đàn có một cuộc thi quan trọng là “Thử thách chuyên gia giáo dục” – Educator challenge với chủ đề về “Sự dũng cảm, Thử thách, Sự lãnh đạo”.
Cô Nguyễn Thị Liễu được xếp cùng nhóm với giáo viên các nước bạn gồm: Ailen, Lithunia, Tiểu vương quốc Ả Rập, Chile. “Chúng tôi có 24 tiếng đồng hồ để hợp tác với nhau và chủ yếu trao đổi với nhau bằng tiếng Anh và chủ đề mà nhóm tôi chọn là “Sharing Information, Saving Lives” (tạm dịch Chia sẻ thông tin, cứu được cuộc sống).
Nhờ bài trình bày ấn tượng trong cuộc thi “Thử thách nhà giáo dục”, nhóm của cô Liễu đã xuất sắc giành giải Nhất - Giải Pitch (thuộc nhóm 4 giải thưởng lớn). Cô Liễu cùng 10 giáo viên khác tại diễn đàn được mời tham dự một buổi trò chuyện với ông Satya, CEO của Tập đoàn Microsolf cũng như được BTC mời tham gia phỏng vấn.
“Ngoài giải thưởng, chuyến đi đối với tôi có ý nghĩa rất đặc biệt, đó là cơ hội để tôi học hỏi, giao lưu với các đồng nghiệp trên thế giới về việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy, rèn giũa cho tôi sự tự tin trong giao tiếp, làm phong phú vốn tiếng Anh của mình và quan trọng hơn là sau giải thưởng này tôi có thêm nhiều bạn bè trên thế giới cùng là những giáo viên hàng đầu về ứng dụng CNTT để từ đó, tôi lên ý tưởng cho những dự án sắp tới để kết nối với nhau, cho HS của mình giao lưu học hỏi, trao đổi kiến thức với các nước khác”, cô Liễu phấn khởi chia sẻ.
Cô Liễu (thứ hai từ trái sang) và các thầy cô trong đoàn Việt Nam tham dự diễn đàn
Người truyền lửa
Cô Liễu tâm sự: “Sau chuyến đi ở Mỹ, tôi nhận thấy ngoài giáo viên, tham dự diễn đàn còn có một vài HS của Ấn Độ khi được Microsolf chọn lựa từ dự án “trường học sáng tạo”. Vì vậy, tôi đã bắt tay vào thực hiện những dự án của mình và làm hồ sơ đăng kí gửi BTC Diễn đàn về mô hình trường học sáng tạo trên nền tảng CNTT với những dự án mà các em HS của trường tôi đã thực hiện.
Trở về nhà, cô Nguyễn Thị Liễu đã cùng với 7 giáo viên của trường bắt tay chuẩn bị đề tài để tham dự cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2015”.
Không nghỉ ngơi, cô cũng phải giải quyết những công việc của lãnh đạo nhà trường trong dịp cuối năm và bắt đầu cho dự án sau lời mời gọi của một giáo viên Phần Lan khi họ cho biết, đang giảng dạy cho HS của nước họ về địa lý châu Á và cần các giáo viên châu Á, HS châu Á hợp tác.
Vì thế, cô Liễu đang hướng dẫn HS của trường mình tìm hiểu về địa lý của đất nước Việt Nam cũng như văn hóa quốc gia để trao đổi trực tuyến với các bạn HS ở Phần Lan trong buổi học trực tuyến tới thông qua Skype.
“Các em HS rất thích dự án này vì không chỉ có thêm kiến thức mà các em còn được trau dồi thêm khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Các em có sự tự tin và có kỹ năng làm việc nhóm”, cô Liễu nói.
Trước đó, cô Liễu cũng đã cho HS của Trường THCS Đức Trí (chủ yếu HS lớp 8, lớp 9) online trực tuyến trao đổi bằng tiếng Anh với HS Srilanka, HS Ấn Độ về chủ đề văn hóa, ẩm thực.
Qua những gì cô Liễu học hỏi được, cô muốn truyền tải đến các GV trong trường tích hợp công nghệ vào giảng dạy một cách sư phạm nhất, còn các em HS được biết, được hưởng những tiện ích tốt nhất từ công nghệ để phục vụ cho việc học một cách hiệu quả.
Khi tôi đặt câu hỏi, là một người quản lý, hằng ngày rất bận rộn với công việc của trường, thêm vào đó, cô còn phải dành không ít thời gian chăm sóc cho cậu con trai 6 tuổi bị giãn não bẩm sinh nằm một chỗ và người chồng đang mang bệnh hiểm nghèo, làm sao cô có thể sắp xếp thời gian để tự học, tự tìm tòi rồi sử dụng thành thạo và am hiểu về việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy như vậy?
Cô Nguyễn Thị Liễu thoáng buồn tâm sự: “Mỗi người có một hoàn cảnh gia đình riêng, dù có những lúc tưởng chừng tôi không vượt qua nổi nhưng rồi tình yêu với các con, với gia đình, với nghề giáo và nguồn động viên từ gia đình, đồng nghiệp, từ các học trò, nó cứ thôi thúc bản thân tôi vượt qua để làm việc thật tốt, thôi thúc tìm tòi, tự học, tự khám phá những ứng dụng hay để hỗ trợ trong môi trường sư phạm”.
Có thể nói với cô Nguyễn Thị Liễu như là một người truyền lửa cho giáo viên trong trường thực hiện dạy học dựa trên sự phát triển về CNTT. Vì thế mà những năm gần đây, Trường THCS Đức Trí luôn được Sở GD&ĐT TPHCM, Phòng GD&ĐT quận 1 đánh giá cao trong việc đi đầu về nghiên cứu, tìm hiểu và đạt hiệu quả khi thực hiện các dự án ứng dụng CNTT trong dạy và học.
Vinh dự nhất đó là tháng 11 năm 2014, khi Microsolf công bố 10 chuyên gia giáo dục của năm, Trường THCS Đức Trí (quận 1) đã có 4 giáo viên được chọn gồm: Cô Nguyễn Thị Liễu, cô Lê Thị Minh Nguyệt, thầy Lê Ngọc Thức, cô Nguyễn Thị Kim Thơ.
Ngoài ra, trong 18 giám khảo toàn cầu do Microsoft mời có 1 giám khảo người Việt Nam - cô Tô Thụy Diễm Quyên – giáo viên Trường THCS Đức Trí, quận 1, TPHCM. Trước đó, năm 2014, cô từng đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn toàn cầu năm tại Tây Ban Nha.
Thảo Nguyên