Gương mặt nhà giáo
Nâng cao khả năng tự học cho học sinh
(Thừa Thiên Huế) - Không chỉ ở Trường trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Chí Diểu hay ở Phòng Giáo dục và Đào tạo, nơi chị làm việc mà hầu hết các anh chị em dạy toán THCS ở Huế đều biết đến cô giáo Nguyễn Thị Ly Na, một nhà giáo trưởng thành từ phong trào tự học, hiện có học vị thạc sĩ và vừa được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Năm 2015, chị là một trong số các nhà giáo có công trình tham gia và đạt giải Hội thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh. Công trình “Phương pháp giảng dạy toán lớp 6 nhằm nâng cao năng lực tự học cho học sinh lớp đầu cấp trung học cơ sở” là đề tài của Th.S Nguyễn Thị Ly Na và các đồng tác giả. Ông Phan Nam, Trưởng phòng GD&ĐT Huế khẳng định: “Đây là một giáo viên cần cù đảm đang lại say mê khoa học. Với cô ấy, làm giáo viên không có nghĩa là thụ động theo giáo trình sẳn có mà phải luôn tìm “con đường ngắn nhất để học sinh đến được với kiến thức”.
Theo cô Ly Na, chúng ta hướng đến “Phương pháp dạy học tích cực”. Mục đích của phương pháp này nhằm giúp học sinh phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích và nâng cao năng lực tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhập và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Từ chỗ “lấy việc dạy làm trung tâm” chuyển thành “lấy việc học làm trung tâm” thì phương pháp học tập có vai trò đặc biệt quan trọng. Bồi dưỡng và phát huy năng lực tự học cho mỗi người là nhiệm vụ thiết yếu của nhà trường hiện nay.
Năm học 2013-2014, Phòng GD&ĐT TP Huế tổ chức cho lãnh đạo, giáo viên dự giờ môn toán lớp 6, lớp 5, sau đó tổ chức hội thảo về phương pháp dạy trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn về năng lực tự học, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và thực trạng học toán của học sinh.
Gắn với hội thảo này, đề tài của cô Ly Na đề ra một số giải pháp giảng dạy của giáo viên trên lớp và hướng dẫn học sinh học ở nhà nhằm kích thích sự hứng thú, phát huy được năng lực tự học môn toán cho học sinh lớp đầu cấp THCS. Các nội dung chính của đề tài là nghiên cứu lý luận và thực tiễn về phương pháp giảng dạy của giáo viên và năng lực tự học môn toán của học sinh lớp 6 hiện nay ở trường THCS; đề ra một số định hướng về tổ chức các hoạt động ở lớp của giáo viên, học sinh và thiết kế bảng hướng dẫn giúp học sinh tự học ở nhà; xây dựng một số giáo án minh họa có sử dụng phương pháp dạy học nhằm nâng cao năng lực tự học cho học sinh; tiến hành thực nghiệm tại một số trường THCS, so sánh kết quả, đánh giá sự tiến bộ của học sinh trước và sau khi áp dụng đề tài để kiểm nghiệm tính khả thi của đề tài.
Cô giáo Nguyễn Thị Ly Na
Đề tài cũng đã đưa ra được cách hướng dẫn học sinh tự học thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập. Các kỹ năng để giúp học sinh có được từ việc tự học, tự nghiên cứu SGK, tài liệu học tập. Các bước để nâng cao năng lực tự học của học sinh trong tiết học. Đề tài còn bồi dưỡng cho học sinh động cơ học tập, kỹ năng tập trung, tính năng động, lập kế hoạch học tập, dạy cách nghe giảng và ghi bài.
Điểm mới mấu chốt trong đề tài là 4 kỹ năng: ôn tập, tiếp thu kiến thức mới, rèn các kỹ năng để rèn luyện và luyện tập các bước tự học. Trong từng công đoạn của tiến trình dạy học, đề tài đề xuất những biện pháp về nghiệp vụ sư phạm của giáo viên và những chú ý với hoạt động học tập của học sinh.
Qua ứng dụng đề tài, giáo viên có thể chủ động thiết kế các hoạt động để giảng dạy nhằm nâng cao năng lực tự học cho học sinh; khai thác và phát triển giáo án ngày càng chất lượng hơn đáp ứng được yêu cầu giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Giáo viên có điều kiện để thể hiện sự sáng tạo và thân thiện của mình đối với học sinh. Với học sinh, các em cũng có điều kiện để tiếp thu những kiến thức phù hợp với năng lực của mình, nâng cao khả năng tự học, làm việc theo nhóm, khả năng tự nghiên cứu. Điều đáng mừng là Phòng GD&ĐT TP Huế đã triển khai đề tài, tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm về phương pháp dạy toán lớp 6. Hiện nay, trong các buổi sinh hoạt cụm chuyên môn bộ môn toán của phòng thường có tiết dạy minh hoạ để rút kinh nghiệm.
Bài, ảnh: HG
Số lượt xem : 1