Hy sinh hết tuổi thanh xuân phơi phới và hạnh phúc riêng của mình là chăm con trai, vượt qua những điều kiện thiếu thốn ở vùng cao, cô vẫn muốn gắn bó với từng thế hệ học sinh nơi đây để dạy chữ cho các em.
Nơi nào xa nhất, nghèo nhất, con sẽ đến đó!
Sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình, khi còn là cô gái tuổi thanh xuân phơi phơi, với bao cơ hội tốt để làm việc, cô Thêu đã nuôi ước mơ ấp ủ “ngược núi lên dạy chữ”. Nghe tin “động trời” rằng con gái mình sẽ lên một vùng đất xã xôi nào đó mà bà chưa từng đặt chân đến, mẹ cô Thêu khóc lên khóc xuống. Bà chỉ muốn cô ở nhà, gần mẹ gần con, chứ Hà Giang là đâu, bà không biết. Rồi những nơi xa ấy, chỉ nghe nói đến toàn núi với đá, ốm đau , thiếu thốn biết trông cậy vào ai.
Nhưng với tình yêu nghề giáo, cô Thêu động viên mẹ: Con yêu nghề, yêu trò, càng yêu hơn khi đó là những học sinh miền núi thiệt thòi. Nơi nào nghèo nhất, xa nhất, con sẽ có mặt ở đó.
Biết không ngăn được con gái, người mẹ già đành ở nhà chỉ biết trông từng tháng, từng năm để nhận được thư con. Mà ở điểm trường ở xã Phố Cáo thì toàn những nơi xung quanh không có điện, không có đường, chỉ có tiếng gió heo hút thổi mỗi đêm. Muốn gửi thư, cô phải chờ 1 tháng ra thị trấn 1 lần mới gửi được.
Lớp ghép 2+3, chỉ 1 học sinh đến trường
Hiện , cô Thêu đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 1, điểm trường Sảng Pả, trường Tiểu học Phố Cáo. Đây cũng là điểm trường giáp với đường biên giới Việt Nam và Trung Quốc.
Lớp 1 là lớp học bản lề quan trọng, và cũng là lớp khó khăn cho các cô giáo. Bởi, đây là năm giáo viên phải đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đến trường. Mà người dân nơi đây, họ chỉ lo đẻ con ra để có người lên nương, chứa ai quan tâm đến đi học, cái chữ vốn là một từ xa lạ và họ nghe…không quen: Đi học làm gì, không đi học thì không ai chết, chứ không lên nương rẫy thì chết đói.
Lớp học của cô là lớp ghép 2+3 với sĩ số 15 học sinh, nhưng, chỉ có duy nhất 1 em đến trường. Bao đêm, cô cùng đồng nghiệp trăn trở không biết mình có thể đưa các em đến trường đầy đủ không, khi mà những phong tục tập quán cổ hủ, lạc hậu còn đeo bám mãi.
Để vận động học trò tới lớp, mỗi buổi chiều sau khi tan học, cô Thêu đến từng nhà dân tìm hiểu phong tục tập quán và động viên gia đình cho con đi học. Vất vả nhất là những ngày xuống chợ mua thực phẩm dự trữ cho cả tuần, phải đi bộ mất một ngày đường leo qua dốc, đi từ sớm đến tối mịt mới về đến nhà. Vẫn tranh thủ ngọn đèn dầu leo lét soạn từng trang giáo án, may vá những chiếc áo, chiếc khăn cho từng em học sinh. Cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện chuyển đi nơi khác tốt hơn.
Cô kể lại: “Ngày đó con đường vào trường chưa có đường xe đi, chỉ là lối mòn nhỏ leo qua đỉnh núi có tên là dốc Tám Hào từ trường chính đến điểm trường Chá Dính. Ngày ngày tôi đi dạy phải men theo những khe núi đá trập trùng, đến bên một sườn núi là một điểm trường còn hoang sơ.
Lớp học tạm bợ rộng khoảng 20 mét vuông dành cho lớp 3, xung quanh được cắm bằng cành trúc, tứ phía hở hoang hoác, mái lá dột nát, gió thông thốc thổi. Những ngày mùa đông gió bấc sách vở học sinh ướt nhèm vì sương. Mỗi lần trời mưa thì sách vở học trò ướt hết, học sinh còn nhút nhát, cô trò thì bất đồng ngôn ngữ khiến việc giảng dạy trở lên khó khăn hơn”.
Bằng tình cảm của mình dành cho trò miền núi, cô Thêu đã chiếm trọn tình cảm của bà con nơi vùng núi đá. Bà Thò Thị Pó - Phụ huynh học chinh chia sẻ: “Mẹ thương con gái Thêu lắm. Mẹ chỉ có cái rau trong vườn cho con thôi, thế mà mẹ ốm con gái nấu cháo cho mẹ ăn đấy, con gái tốt cái bụng lắm”.
Cô Thêu trong đợt tuyên dương giáo viên cắm bản trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô".
Giấu nước mắt vào trong để dồn tình yêu cho trò miền núi
Cũng tại vùng núi cao Hà Giang, người đồng nghiệp, cũng chính là người đồng hành trên đường đời với cô Thêu, vì cảm mến người con gái dịu dàng, hết lòng thương học sinh, cả hai đã bén duyên và xây dựng gia đình.
Nhưng do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên con trai đầu lòng của cô, không may mắn, bị suy dinh dưỡng bào thai. Cuộc sống gia đình trở nên vất vả vì sức khỏe của con rất yếu, thời tiết miền núi khắc nghiệt bé phải bệnh viện định kỳ, do tiêm nhiều lần nên bé bị teo cả hai chân. Mới 3 tuổi, vợ chồng cô giáo phải nuốt giọt nước mắt xa con gửi về cho ông bà ở quê nuôi. Nhiều đêm, cô Thêu chỉ biết khóc vì nhớ con...
Hỏi cô Thêu: Là người giàu tình cảm với học trò như vậy sao lại có thể xa con mình?
Che giấu sự xúc động, nhưng mắt cử đỏ hoe, cô Thêu tâm sự: Tôi không thể bỏ bê công việc được. Đã theo nghề này rồi mà người dân ở đây cũng yêu quý mình nên mình cũng yêu quý lại, con của họ tôi coi như con của mình, nếu tôi đi, bà con buồn, học trò trống trải, tôi không lỡ”.
Với tấm lòng tận tâm ấy, cô Thêu đã gặt hái rất nhiều thành tích trong công tác. Đặc biệt, điểm trường của cô luôn đông đủ học sinh, không còn em nào bỏ học. Nhiều năm liền các lớp do cô chủ nhiệm các em đều đạt giải trong các cuộc thi, năm nào cũng có học sinh đạt giải nhất nhì cấp trường, cấp huyện về cuộc thi chữ đẹp và các cuộc thi giao lưu cụm trong huyện.
Đến nay đã có những học sinh của cô Thêu học đại học ra trường và nhiều em trở thành cán bộ xã. Các lớp học tiểu học ở huyện Đồng Văn, Hà Giang giờ đây đã có nhiều thay đổi, không còn phòng học tạm bợ nữa, sở vật chất đã khang trang hơn. Và nhìn lại, cũng đã 19 năm cô Thêu hi sinh tuổi trẻ, hi sinh những khoảnh khắc gần bên con để lo cho bao nhiêu thế hệ học sinh ở mảnh đất Hà Giang.