Trong cách học, phải lấy tự học làm cốt''

Ngày 10 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Gương mặt tiêu biểu » Gương mặt nhà giáo

Gương mặt nhà giáo

Cập nhật lúc : 17:00 01/06/2014  

Cô giáo “Dự báo thời tiết” dạy thật hay về Biển đảo

Những trang giáo án tích hợp mang chủ đề Biển đảo của cô giáo Lan Phương là đại diện cho tình yêu của thầy và trò nhà trường dành cho một phần máu thịt của Tổ quốc.

Trong năm học 2013 - 2014, giáo án Biển đảo của cô Nguyễn Lan Phương (Sinh năm 1987, hiện đang dạy tại Trường THCS Đoàn Kết, Hà Nội, đồng thời là MC Dự báo thời tiết của Đài truyền hình Việt Nam) đã đạt giải Nhất cấp thành phố cuộc thi "Dạy học theo chủ đề tích hợp" (kết hợp kiến thức của nhiều môn học với nhau - PV) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Theo giáo án này, trong các tiết học, học sinh sẽ thuyết trình về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam bằng những slide ảnh tự thiết kế. 

Đồng thời, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các em sẽ thu thập, tổng hợp các tư liệu lịch sử, địa lý và tự chứng minh được rằng: Những hành động của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm chủ quyền biển đảo.

Cách đây không lâu, trên trang cá nhân của mình, cô Phương đã chia sẻ về việc xin được dạy lại giáo án Biển đảo Việt Nam cho các em học sinh lớp 9 của Trường THCS Đoàn Kết.

Dù biết sẽ tốn nhiều thời gian, công sức nhưng cô giáo "dự báo thời tiết" mong muốn trang bị thêm cho học sinh cuối cấp những kiến thức cần thiết về biển đảo để các em có hành động đúng đắn. Đồng thời, cô cũng hy vọng đây sẽ là động lực thôi thúc các em thể hiện lòng yêu nước bằng cách thi đỗ lớp 10.

Cô giáo Lan Phương và các em học sinh khối 9 cùng nhau hát “Nơi đảo xa”

Cô giáo Lan Phương và các em học sinh khối 9 cùng nhau hát “Nơi đảo xa”

Từ những trang giáo án tâm huyết...

Được sự ủng hộ của nhà trường, nhất là từ cô Hiệu trưởng Nghiêm Thúy Châm, cô Lan Phương và học trò đã bắt tay chuẩn bị cho việc dạy và học theo giáo án Biển đảo Việt Nam lần thứ 2 trong cái nắng nóng như thiêu như đốt của Hà Nội những ngày đầu hè. Có nhiều hôm cô và trò đã ở lại trường đến tận 10 giờ tối, cùng nhau ăn bánh mỳ để chống đói làm việc mà thấy vẫn vui.

Khi được hỏi về lý do chọn chủ đề Biển đảo cho giáo án của mình, cô Lan Phương chia sẻ: “Nó xuất phát từ tình yêu dành cho biển đảo quê hương trong trái tim mình. 

Và đặc biệt, trong những bản tin Dự báo thời tiết mà mình dẫn trên VTV1 không bao giờ quên cập nhật tình hình thời tiết ở hai quần đảo thân yêu Hoàng Sa và Trường Sa”.

Vậy là, tình yêu đối với biển đảo trong cô dường như được vun đắp mỗi ngày, từ những gì bình dị nhất của cuộc sống. Tình yêu đó đã được cụ thể hoá trong những trang giáo án của phương pháp dạy học mới: Kết hợp kiến thức tổng hợp từ các môn học Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân.

Để có được sản phẩm hoàn thiện như bây giờ, cô giáo Lan Phương đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết của mình cho từng phần nội dung chi tiết của bài giảng. 

Toàn bộ giáo án được xây dựng trong thời gian 2 tháng với những kiến thức chính xác và rất thiết thực, dựa trên những tài liệu do Bộ Giáo dục phát hành.

...Đến tiết học mang nhiều cảm xúc

Với buổi học được tổ chức ngay tại lễ chào cờ đầu tuần của trường vào ngày 26/5/2014, cô Lan Phương đã đưa một vấn đề nghe tưởng chừng “quá tầm” với các em học sinh THPT thành những kiến thức dễ hiểu, đơn giản.

Người xem thực sự bất ngờ khi thấy các em học sinh lớp 9A ở trường Đoàn Kết tham gia tiết học có chủ đề Biển đảo của cô Phương một cách hăng hái và hiệu quả.

Nhóm 1 đã trình bày những hiểu biết về vị trí địa lý, giới hạn của vùng biển Việt Nam, chứng minh vai trò quan trọng của biển đảo nước ta trong Kinh tế - Chính trị - Quân sự. 

Đặc biệt, những khái niệm khó như: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa... được các em diễn giải mạch lạc, trực quan bằng hình ảnh. 

Cũng từ đây, tự các em có thể dùng kiến thức Địa lý được học chứng minh vị trí đặt giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc là trái phép.

Kết luận sẽ không đủ thuyết phục nếu chỉ có những dẫn chứng địa lý. Chính vì thế, nhóm 2 đã trình bày chi tiết các nghiên cứu về lịch sử. 

Những tấm bản đồ lịch sử cùng nhiều dẫn chứng xác thực đã khẳng định chủ quyền trên biển Đông của Việt Nam, rằng Trường Sa và Hoàng Sa là của nước ta và hành động của Trung Quốc là xâm phạm trái phép chủ quyền trên biển, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982.

Để tạo không khí sôi nổi cho lớp học, cô Lan Phương đưa ra trò chơi hỏi đáp thú vị về những kiến thức biển đảo. Cô hỏi, trò hăng hái giơ tay phát biểu. Trong mắt mỗi cô cậu học trò 13, 14 tuổi lấp lánh tình yêu với Tổ quốc qua những bài học thân thương, giản dị.

Không chỉ vậy, nhóm học sinh của lớp 9A còn làm nhiều bạn học bất ngờ khi giới thiệu sản phẩm video tổng kết Chủ quyền biển đảo. 

Qua đó, các em cho thấy thế hệ chủ nhân tương lai đã và đang nhận thức được câu chuyện chủ quyền biển đảo quê hương và tự đặt ra nhiệm vụ cho mình để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Mặc dù khá bận rộn với kế hoạch ôn thi vào THPT nhưng chúng em đều rất hứng thú với dự án của cô giáo. Có những hôm làm việc khá muộn nhưng các bạn trong nhóm ai cũng say mê và cố gắng đến cùng” - Trần Phong Châu Lam, học sinh lớp 9A, thành viên của nhóm chia sẻ.

Trong những bài giảng của mình, cô Lan Phương nói riêng và tập thể thầy cô giáo của trường Đoàn Kết nói chung đã và đang khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước bằng nhiều cách khác nhau. Cuối giờ học, khi giai điệu của bài hát Nơi đảo xa vang lên, đâu đó có những giọt nước mắt lăn xuống, cả cô và trò.

Rất nhiều trái bóng bay mang theo ước mơ của các bạn học sinh lớp 9A cũng được thả lên trời. Có bạn ước thi tốt, có bạn ước bố mẹ ông bà mạnh khỏe nhưng cũng có không ít bạn ước mơ về hòa bình. Và chắc hẳn đó cũng chính là thành quả lớn nhất mà cô Lan Phương đạt được khi thực hiện giáo án ý nghĩa mang tên Biển đảo này.

Tin.vn

Số lượt xem : 1

Các tin khác