Giảng dạy chỉ tồn tại trong lớp học, nhưng giáo dục tiếp diễn suốt đời nguời "

Ngày 25 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Gương mặt tiêu biểu » Gương mặt học sinh, sinh viên

Gương mặt học sinh, sinh viên

Cập nhật lúc : 16:22 15/09/2014  

Mất đôi mắt, không có nghĩa là mất tất cả

GD&TĐ - Lời bộc bạch của Trần Thị Quỳnh Ly - Sinh năm 1997, tại Gio Linh (Quảng Trị) như ngọn lửa châm lên sự sống cho những ai có cùng hoàn cảnh như mình.

Kí ức tuổi thơ

Chúng tôi gặp Quỳnh Ly sau khi em mới nhận giải nhất trong cuộc thi Tin học dành cho người khiếm thị tỉnh Quảng Trị. Ôm bó hoa rực rỡ cùng tấm bằng khen vừa đạt được trên tay, Ly tươi cười hỏi: “Bó hoa trên tay em đẹp lắm phải không ạ? Em không thấy nhưng cảm nhận được”. 

Năm 1997, Quỳnh Ly chào đời trong tình yêu thương vô bờ của bố mẹ. Tai họa đã ập đến khiến niềm vui của gia đình trở nên ngắn ngủi. Năm 1999, Ly bị ung thư võng mạc, rồi mù một mắt. Chừng một năm sau, căn bệnh quái ác lại cướp đi con mắt còn lại của em. Thương con, bố mẹ em chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Khi còn bé, nghe bạn bè đồng trang lứa chơi đùa trước cổng nhà, Quỳnh Ly xin tham gia. Thế nhưng, đôi mắt khiếm thị ngăn cản mong muốn nhỏ bé ấy. 

Bấy giờ, nhận thức non nớt của Ly nghĩ rằng, đôi mắt chỉ không cho em nhìn thấy những bộ áo quần mới hay xem ti vi mà thôi. Đến khi lớn lên, trái tim Ly nhói đau khi nhận biết được sự thật. 

Dẫu vậy, cô bé khiếm thị không cho phép mình chìm sâu trong nỗi mặc cảm. Em bắt đầu tập tành, rồi phụ giúp bố mẹ những công việc nhỏ trong nhà.

Là con cuối trong gia đình, đêm đêm nghe anh chị học bài, Quỳnh Ly dấy lên ước ao được đi học. Thương con, bố mẹ Ly đành chấp thuận dẫu còn không ít âu lo. 

Những ngày đầu đến trường là một thử thách lớn đối với em. Ly ngồi thu mình một góc, không thấy bất cứ thứ gì. Bị các bạn trêu đùa, em thấy như tất cả mọi người quay lưng với mình. 

Thế nhưng, Ly không nản chí. Em chủ động trò chuyện, làm quen cùng các bạn. Từ sự ngại ngần ban đầu, Ly nhanh chóng hòa nhập với không khí rộn rã của trường, lớp. Em say mê từng bài giảng, tích cực tham gia các hoạt động của trường. Năm nào Ly cũng đạt được danh hiệu học sinh khá, giỏi.

Chạm tay đến ước mơ

Tốt nghiệp THCS, Quỳnh Ly thi và đỗ vào trường THPT Gio Linh. “Môi trường THPT khiến ngay cả người bình thường cũng áp lực. Thế nên, em gặp rất nhiều khó khăn” – Ly chia sẻ. 

Không thể tiếp cận nhiều với sách giáo khoa, Ly phải nhờ đến sự hỗ trợ của bạn bè, anh chị trong nhà. Dần dần, những bài toán khó cũng “đầu hàng” trước sự thông minh, chăm chỉ của em. 

Các môn học khó như: Toán, Hóa, Anh văn sớm được Ly chinh phục. Không những thế, Ly còn giúp đỡ các bạn tìm ra cách học hiệu quả. Trong lớp, Quỳnh Ly thường xuyên đứng ở vị trí dẫn đầu.

Trong các bộ môn, Quỳnh Ly “kết” nhất Tin học. Em xác định, đây là phao cứu sinh cho mình trong xã hội hiện đại ngày nay. Tiếp xúc với máy tính, Ly mới biết môn học này cần đôi mắt đến mức nào. 

Dẫu nhận biết được bàn phím, con chuột… nhưng em vẫn bó tay với những hoạt động diễn ra trên màn hình. Càng khó khăn, khát khao chinh phục Tin học càng dấy lên mạnh mẽ trong Ly. 

Ly gửi mua những quyển sách tin học dành cho người khiếm thị, rồi mày mò tự học. Những tháng ngày đầu tiên, Ly miệt mài thao tác máy đến mức mười ngón tay sưng tấy. 

Ly bộc bạch: “Lúc ấy, em chỉ nghĩ, các bạn làm được thì mình cũng có thể”. Vì gia đình khó khăn, để “kết bạn” với máy vi tính, Ly phải đi vài cây số để ra quán Internet. Đến lúc về nhà, em nhẩm đi, nhẩm lại những gì mình đã học. “Có lần mãi miết nhẩm mà em quên cả lối rẻ vào nhà” – Ly vui vẻ bảo.

Năm 2011, niềm vui lớn đến với Ly là em được tham gia vào lớp Tin học dành cho người khiếm thị do Hội Người mù tỉnh tổ chức. Bấy giờ, cô bé giàu đam mê mới được thỏa sức sống với đam mê. 

Nhờ chịu khó học hỏi, đôi bàn tay Ly đã nhanh chóng trở thành “bạn thân” của bàn phím. Em thao tác máy nhanh ngang ngửa người bình thường. Thậm chí, Ly còn lập facebook, mail để kết nối bạn bè.

Vừa qua, Ly được chọn lựa tham dự vào Liên hoan Tin học dành cho người khiếm thị lần thứ nhất tại tỉnh. Sau những thời gian dài miệt mài ôn luyện, Quỳnh Ly đã xuất sắc trong bài thi và nhanh chóng vượt qua 19 thí sinh khác. 

Ông Lê Thanh Ngọc - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Trị - xúc động nói: “Tuy nhỏ tuổi nhưng Quỳnh Ly rất thông minh. Cháu cảm nhận bằng trực quan tốt và có một nghị lực phi thường”.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, Quỳnh Ly gần như im lặng. Một hồi sau, em mới từ tốn giải thích: “Trước đây, em mong muốn trở thành bác sĩ nhưng nghề này rất đôi mắt sáng. Sau đó, giấc mơ làm nghề báo cũng khép lại. Em nghĩ đến một ước mơ thiết thực hơn đó là trở thành giáo viên”.

Mỹ Nhị

Số lượt xem : 1

Các tin khác