Thiếu phương pháp thì người tài cũng có lỗi. Có phương pháp thì người bình thường cũng làm được đều phi thường "

Ngày 25 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Gương mặt tiêu biểu » Gương mặt học sinh, sinh viên

Gương mặt học sinh, sinh viên

Cập nhật lúc : 00:55 25/05/2015  

Gặp “thần đồng” nhạc cụ 18 tuổi ở Quảng Trị

Tình cờ nghe tivi phát, rồi đâm nghiện âm thanh réo rắt của các loại nhạc cụ dân tộc. Tú hứng đến nỗi tự mày mò chặt tre, lấy gỗ làm đàn, học đánh sao cho âm thanh nghe như nghệ sĩ biểu diễn trên tivi. Lúc ấy, cậu mới học lớp 6. Để rồi 3 năm sau, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị phải thốt lên: “Thần đồng nhạc cụ dân tộc của tỉnh nhà là đây”.

Xuất phát từ đam mê

Dân làng tự hào gọi Hoàng Văn Tú (SN 1997, trú khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là “nghệ sĩ nhí” và mỗi lần thấy cậu đem các loại đàn ra gảy thì họ lại đứng ken chật nhà để nghe.

Chiều muộn, gió từ biển Cửa Việt nhè nhẹ thổi như làm nền cho những giai điệu âm thanh ngọt ngào, lúc trầm bổng, lúc vút cao được phát từ căn nhà nhỏ của Tú. Trên tường nhà, những loại đàn của nhạc cụ dân tộc như sáo trúc, tranh, bầu, nhị, nguyệt, bộ gõ được Tú treo một cách ngăn nắp và có chủ ý. Đến bây giờ khi tự hỏi tại sao lại đam mê các nhạc cụ dân tộc mà không phải các thể loại tân nhạc hiện đại, Tú cũng không lí giải được, chỉ biết chỉ rằng, hồi học lớp 5, tình cờ thấy tivi phát, nghe âm thanh từ các các loại đàn đó cất lên, Tú ngây người để nghe. Nó luồn lách vào từng thớ thịt, mạch máu và Tú đam mê từ đó.

Tú bảo, ngày ấy cứ canh đúng giờ hôm trước tivi phát để xem chương trình có biểu diễn hay không. Biết có lịch chiếu là Tú canh giờ và cứ dán mắt vào màn hình nghe từng giai điệu của nhạc dân tộc. Mê đến nỗi những lúc học trên lớp cậu xin phép về, xem xong lại lên lớp học tiếp.


Hoàng Văn Tú chơi đàn nguyệt

Thứ âm thanh lúc ngân nga, lúc réo rắt khiến Tú không thể ngồi yên. Cậu chặt tre, kiếm gỗ, dây cước bắt chước hình dáng các loại đàn trên tivi để làm nhạc cụ cho mình. “Lúc ấy, quê em không có Internet như bây giờ, chẳng có ai chỉ bảo, làm giúp, tự em đục, đẽo, gọt, cố phác họa sao cho giống trên tivi ấy”, Tú nói. Bố làm nghề mộc, nhiều lúc Tú lấy đồ nghề của bố rồi vất đằng nào chẳng biết. Bị bố mắng, đánh đòn nhưng ngọn lửa đam mê thứ âm nhạc dân gian ấy như thổi bùng trong tâm can khiến Tú chẳng biết sợ là gì. Chuyện làm đàn không giống như suy nghĩ của cậu bé học lớp 6.

Tú nói: “Chiếc đầu tiên em làm là đàn bầu, đến cái thứ 20 thì mới hoàn thành. Gọi là đàn nhưng cũng chẳng phải là đàn nó chỉ hao hao giống mà thôi, âm thanh chả giống nhưng phát ra được tiếng kêu là em mừng rồi”. Lần lượt các đàn nhị, nguyệt, tranh đều được Tú phác họa và tự làm sau khi nhìn trên tivi. Sau này, bố mẹ Tú thấy con đam mê thứ âm nhạc và các loại đàn đến độ quên ăn, quên ngủ đã cất công ra tiệm mua các loại đàn mới cho cậu. Tôi để ý, trên góc tường nhà, đặt cạnh chiếc đàn nhị mua ở tiệm là chiếc đàn nhị bằng tre và dây cước mà Tú tự tay làm lấy. Tú bảo, dẫu làm bằng tay nhưng nó không chỉ đẹp mà âm thanh khi kéo lên nghe chẳng khác nào đàn được sản xuất ở tiệm. Tự hào về tay nghề của chính mình nên Tú muốn giữ lại làm kỉ niệm.

Làm được đàn, Tú gảy ngày đêm không nghỉ ngơi, trừ lúc ăn, lúc ngủ. Thấy con đam mê và bày tỏ sau này lớn lên sẽ nguyện theo nhạc cụ dân tộc, bố Tú - ông Hoàng Văn Tính - lớn tiếng mắng: “Nghề gì không chọn lại chọn ba nghề sướng ca vô loài. Sau này, không lông bông thì cũng chết đói con ạ”. Ông mắng con cũng phải thôi, lúc trẻ ông là tay trống của ban nhạc ở xã, chuyên đi biểu diễn đám cưới, lễ hội.... khắp các xã, huyện lân cận. Ông cũng từng nghĩ, nhạc sẽ đem đến miếng cơm manh áo cho vợ, con nhưng rốt cục ông phải bỏ cuộc vì không trụ được gánh mưu sinh. Giờ thấy con “sống chết” với thứ âm nhạc sắp mai một, rồi nghe con đàn, con gảy, ông cũng không ngờ con mình nó lại đàn hay như thế. Đến độ được đi biểu biểu khắp huyện, tỉnh tới cả quốc gia, rồi thì bằng khen, giấy khen treo chi chít ở tường, ông cũng tự hào mà “chịu thua”.

Chơi đàn tranh. 

Tài năng từ sự tự học hỏi

Tú bảo rằng, em nghe âm thanh từ các loại đàn từ năm lớp 4 hay lớp 5 gì đó, lớp 6 thì bắt tay vào làm tất cả các loại đàn trên. Nghe trên tivi, nghệ sĩ gảy sao là Tú gảy thế. Tài năng của Tú thực sự bộc lộ và phát huy từ khi bố mẹ mua đàn mới ở tiệm cho em. Không có ai dạy bảo, sách vở lại càng không, Internet đối với vùng biển quanh năm nắng gió này là thứ xa xỉ. Ấy vậy mà, khi Tú lướt bàn tay mềm mại trên phím đàn, âm thanh vang lên du dương như một nghệ sĩ thực thụ. Bố mẹ Tú sững người không tin đó là con trai mình. Tiếng đàn mềm mại, uyển chuyển luồn lách phát ra từ căn nhà nhỏ, khiến hàng xóm không thể đứng yên.

Ở vùng miền biển, thanh niên sức vóc trai tráng hết tuổi đi học thường được bố mẹ cho theo thuyền ra biển đánh con cá, con tôm kiếm kế mưu sinh, nay thấy cậu thanh niên trẻ đưa tay đánh hết loại đàn này sang loại đàn khác, khi thì nguyệt, nhị, bầu, sáo… thì họ lạ lắm, ngạc nhiên lắm. Tên tuổi Tú từ đấy như con sóng vươn ra ngoài khơi, khắp làng trên xóm dưới đều biết và tìm đến nghe Tú đánh đàn, lướt phím.

Bấy lâu nay, họ đã quá quen với những thể loại tân nhạc xập xình, bốc lửa, giờ nghe thứ âm thanh dịu dàng, êm ái thì như rót mật vào tai, nghe sướng quá chẳng ai muốn về. Vậy là, đàn ông trai tráng sau những chuyến ra khơi, khi cập bến lại tìm đến nhà Tú nghe đánh đàn, bao nhiêu mệt mỏi, u uất như tan biến. Mấy bà, mấy thím con bồng cháu bế dường như thành thói quen, đêm nào cũng í ới gọi nhau tụ tập đến nhà Tú để nghe cậu thanh niên đánh đàn. Ngôi nhà Tú trở thành nơi đoàn kết chòm xóm, là dịp mọi người trò chuyện, hàn huyện những chuyện vui buồn thường ngày. Họ gọi Tú là “nghệ sĩ” của biển cũng không quá ưu ái và phô trương.

Ở nhà, tài năng của Tú được bà con thôn xóm kiểm chứng. Ở trường, nó lại càng được minh chứng rõ nét hơn khi Tú đoạt giải Nhất Liên hoan Tiếng hát tuổi thần tiên do Trường THCS thị trấn Cửa Việt tổ chức với tiết mục “Lòng mẹ” được độc diễn bằng sáo và đàn bầu. Đó là năm 2010, lúc ấy Tú học lớp 7. Hễ trường tổ chức hội thi văn nghệ học đường là y rằng Tú lại giật giải với các tiết mục do mình xướng ca bằng các thể loại nhạc cụ dân tộc, liên tiếp đoạt giải tài năng đội viên suốt những năm học cấp 2. Hội văn nghệ thị trấn Cửa Việt xem Tú là cây văn nghệ chủ chốt của thị trấn, liên tục mời đi biểu diễn ở huyện, tỉnh. Năm 2009 và 2011, Tú còn được 2 lần vinh dự được tỉnh Quảng Trị chọn là gương mặt tiêu biểu tham gia Diễn đàn Trẻ em Quốc gia.

Gặp tôi, anh Trần Đình Mãn - Phó chủ tịch thị trấn Cửa Việt - thẳng thắn chia sẻ: “Khi phát hiện Tú có tài năng về âm nhạc dân tộc, Ban văn hóa thị trấn đã đến tận nhà định hướng, giúp em tiếp cận, tạo điều kiện để Tú tham gia các phong trào văn nghệ, sàn diễn ở huyện, tỉnh nhằm phát huy khả năng nhạc cụ truyền thống. Khi trực tiếp xem Tú độc diễn các loại nhạc cụ dân tộc, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính đã đứng bật dậy vỗ tay rầm rầm nói: “Thần đồng nhạc cụ dân tộc của tỉnh nhà là đây”. “Ông Chính bảo nếu sau này Tú đi theo con đường nhạc cụ truyền thống, chính ông sẽ làm người đỡ đầu cho em”, anh Mãn tự hào nói.

Đàn nhị 

Nốt lặng cuộc đời

Không chỉ được mệnh danh là “thần đồng” âm nhạc. Tú còn có thành tích học tập đáng nể: 9 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, liên tục đạt được nhiều giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện như: Giải Nhất cấp huyện (năm lớp 8), giải Ba cấp huyện, giải Khuyến khích cấp tỉnh (năm lớp 9) đối với môn Vật lý; giải Nhất cấp huyện, giải Ba cấp tỉnh đối với môn Tin học (năm lớp 9).

Những tưởng cánh cửa tương lai đang rộng mở thì năm 2012, bố Tú bị lao màng não, phải điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế suốt 3 tháng ròng. Nhà có 5 anh em trai, 4 anh trai đầu đều đang học đại học. Quán tạp hóa của mẹ không thể cáng đáng tiền thuốc và chu cấp tiền học cho mấy anh. Tú đành dang dở ước mơ lên lớp 10 khi mẹ nuốt nước mắt vào lòng, cắn chặt môi, ôm Tú nói: “Giờ nhà mình kiệt quệ lắm rồi, cha bệnh, mấy anh phải học để ra trường. Con chịu khó nghỉ học 1 năm, chờ 2 anh trai đầu ra trường rồi học tiếp nhé”. Tú không chút đắn đo, gật đầu tựa vào vai mẹ bằng lòng.

Bây giờ, bố đã xuất viện trở về, mặc dù vẫn phải mua thuốc điều trị. Chia sẻ ước mơ, Tú bày tỏ sau này sẽ thi vào Học viện âm nhạc Huế để thỏa lòng đam mê. Một ước mơ chính đáng để thắp lửa cho thứ âm nhạc dân gian dần mai một ấy.

Trước khi chia tay, Tú đem từng loại đàn biểu diễn cho tôi nghe. Cây đàn tranh ngân lên những âm thanh mượt mà, da diết. Tiếng âm thanh khàn đục của đàn nhị bay bỏng, vút cao lảnh lót. Tiếng đàn bầu ngân nga, đồng điệu bởi âm sắc sâu lắng, êm ả. Ngoài kia, biển Cửa Việt nhấp nhô những cơn sóng vỗ bờ như hòa cùng những tiếng nhạc của một nghệ sĩ thực thụ ở tuổi 15 vậy.

Chơi guitar
Sáo
Thành tích học tập đáng khâm phục của Tú.

Theo Lao động

Số lượt xem : 1

Các tin khác