Ký ức buồn của mẹ...
Sáng 22/4, chúng tôi đến Trường THPT Bảo Lộc, Trang đang trong giờ học. Hỏi chuyện Trang đi thi Olympia, thầy hiệu trưởng Nguyễn Hữu Khoa tiếc nuối: “Rất kỳ vọng nhưng em chỉ đoạt nhì tháng 1 của quý 3 với 130 điểm (chương trình phát sóng ngày 23/2 trên VTV3)”.
Thầy Khoa kể: “Trang rất ham học hỏi, say mê tìm tòi kiến thức, tự rèn luyện mình. Em ham thích Olympia từ nhỏ, đăng ký cuối năm lớp 11 và đầu lớp 12 được gọi dự thi”.
Rời trường, chúng tôi gọi điện cho bà Dương Thị Chung (39 tuổi), mẹ của Trang. Bà Chung đang bán vé số dạo ở một quán hủ tiếu mì gần Trường THPT Bảo Lộc.
Khi chúng tôi đến, bà đội mũ nâu bạc, đeo túi da đen nhỏ cũ kỹ rách mấy chỗ, tay cầm xấp vé số và tấm giấy dò mời khách ở quán hủ tiếu. Hỏi chuyện, bà Chung kể đã bán vé số 14 năm, mỗi ngày bán được 100 tờ, mỗi tờ lời 1.000 đồng.
Chuyện đi thi Olympia của con, người mẹ quê gốc Hà Tây mới học hết lớp 8 kể: “Cháu có quyết tâm lớn, mơ đi thi Olympia từ cấp II. Tôi thấy cháu quyết tâm cái gì là phấn đấu ghê lắm, làm bằng được mới thôi”.
Hôm con báo tin được đi thi Olympia, người mẹ bán vé số “gọi hết cả ngày công tiền điện thoại” để báo tin vui cho người thân, họ hàng. “Mừng lắm, cả họ vui. Đợt đó cũng muốn dẫn cháu đi thi rồi về quê ngoại ở Hà Tây nhưng không có điều kiện...” - bà Chung nhớ lại.
Đang kể, bất chợt nụ cười trên gương mặt khắc khổ của người mẹ ngưng lại, những giọt nước mắt ứa ra: “Hồi cháu Trang học lớp 3, một hôm cháu chạy về khóc kể bạn trêu: “Tụi mày ơi đừng chơi với con Trang, mẹ nó bán vé số”.
Hai mẹ con ôm nhau khóc. Tôi nói với cháu: Mẹ đi bán vé số chứ có đi lừa đảo của ai đâu. Con học giỏi là các bạn không nói nữa”. Ký ức ấy cũng bám theo em gái Trang, em Nguyễn Thị Bích Vân (hiện là học sinh lớp 10 cùng trường với chị). Trong một bài văn, Vân viết: “Mẹ em bán vé số. Các bạn không chơi với chị em...”.
Suốt buổi trò chuyện, bà Chung cứ nhắc đi nhắc lại chỉ mong sao trời cho... sống được mười năm nữa để nuôi các con học đến khi có nghề có nghiệp ổn định.
Chả là bà bị bệnh đau bao tử đi khám nhiều lần không khỏi, sợ “đứt gánh giữa đường” (lời bà Chung) tội nghiệp con. “Mỗi ngày bán được 100 tờ vé số, thêm ít cà phê được khoảng chục triệu một năm nữa. Vậy mà đi khám bệnh một lần hết 4 triệu đồng!”.
... theo đuổi ước mơ của con
Sau giờ tan học, chúng tôi đến nhà Trang ở tổ 16, P.Lộc Sơn, TP Bảo Lộc. Ngôi nhà cấp 4 xây giữa vườn cà phê trong một con hẻm ngoằn ngoèo hơi dốc.
Lúc này bố Trang, ông Nguyễn Công Hưng (46 tuổi), vừa nghỉ tay cắt tỉa cành cà phê để ăn cơm trưa. Bữa cơm của cả nhà chỉ có một đĩa đậu hủ trắng, một đĩa rau luộc chấm nước mắm. Trang đi học về, cô bé có gương mặt sáng, nụ cười tươi xinh với áo dài trắng cùng áo len xanh đậm đồng phục của học trò xứ lạnh.
“Em thích xem Olympia từ hồi lớp 4, lớp 5. Nhìn các anh chị trả lời em ước mơ một lần đứng trên đó” - Trang kể với ánh mắt rạng ngời.
Để thực hiện ước mơ, Trang tự nhủ “cứ cố thôi” và sưu tập cho mình những thành tích trong học tập như: Vở sạch chữ đẹp TP Bảo Lộc (lớp 5), Nhà sử học nhỏ tuổi, giải nhì Tin học trẻ (lớp 7, 8), học sinh giỏi toán TP Bảo Lộc (lớp 9), giải 3 cấp tỉnh môn văn (lớp 12), từ lớp 1-11 là học sinh giỏi (trừ lớp 10 học sinh tiên tiến)...
Trang nhập hội “fan cuồng Olympia” trên mạng để kết bạn với những anh chị đã thi những năm trước, những bạn dự định thi cùng năm để học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị kiến thức và đăng ký dự thi.
Cuối năm lớp 11, Trang làm đơn đăng ký dự thi Olympia được trường xác nhận và gửi về chương trình. “Gửi xong cầm điện thoại run ơi là run - Trang cười nhớ lại - Lúc nào cũng nghĩ chương trình sẽ gọi. Không dám tắt điện thoại sợ chương trình gọi. Đi ngủ cũng mơ thấy mình thi Olympia”...
Ngày 24-11-2013, sau khi chương trình gọi mời dự thi, cô Nguyễn Thị Thúy Phương - hiệu phó nhà trường - đưa Trang lên Đà Lạt để bay ra Hà Nội.
Chiến thắng là không bỏ cuộc
Cô Phương kể đi xe lên Đà Lạt, Trang không bị say xe nhưng đi máy bay từ Đà Lạt ra Hà Nội lại... bị say. Ra Hà Nội, đến ngày thi tuần, Trang được nhì cao điểm nhất (dùng câu hỏi phụ) nên hai cô trò ở lại tiếp tục vòng thi tháng.
Tại vòng thi tháng Trang cùng hai thí sinh Nguyễn Văn Hinh (THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội), Nguyễn Thị Lâm Hà (THPT Chương Mỹ A, Hà Nội) cùng đạt 130 điểm sau phần thi về đích, và phải dùng đến hai câu hỏi phụ để tìm người đoạt vòng nguyệt quế.
Cuối cùng, thí sinh Nguyễn Văn Hinh thắng cuộc. Dừng lại ở vòng thi tháng, Trang khóc rất nhiều...
Nói về động lực trong học tập, cuộc sống, Trang bảo muốn khẳng định mình. “Mẹ em đi bán vé số, người ta khinh gia đình em. Năm lớp 10, 11 em đi làm thêm phục vụ bàn, bán sim điện thoại, phát tờ rơi... khách nói đúng sai gì cũng phải dạ.
Phục vụ chậm một chút là khách chửi. Nhiều lúc bị chủ la một cách vô lý, em thấy mình bị xem thường. Em cố gắng học, có một công việc ổn định để người ta không còn xem thường gia đình mình nữa” - Trang tâm sự.
Trở về từ Olympia, Trang rút ra cho mình bài học trong cuộc sống là “Người chiến thắng không phải người giỏi nhất mà là người không bỏ cuộc” khi đăng ký nhiều lần mới được dự thi.
Cuộc thi cũng cho Trang những người bạn tốt trong “cộng đồng Olympians” và những trải nghiệm thú vị khi đi ăn kem ở hồ Gươm...
“Em đang tập trung ôn luyện để thi vào ngành kinh doanh quốc tế và ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngoại thương TP HCM. Sau đó, em sẽ tìm kiếm một học bổng để đi du học...” - Trang chia sẻ về chặng đường phía trước.
Vui đến bỏ ăn khi được gọi dự thi!
Sau nhiều ngày chờ đợi và nghĩ đã lỡ hẹn với Olympia, Trang kể: “Một buổi tối điện thoại rung, bấm nghe mà tay run. Chương trình bảo có thể sắp xếp cho em thi Olympia đợt này, nói em lấy giấy bút ra ghi ngày giờ tập trung.
Em “đứng hình” luôn, đứng dậy tìm bút mà chân run tưởng ngã. Những ngày sau em vừa mừng vừa lo đến không ăn uống gì được. Mừng vì mong đến ngày được đặt chân ra Hà Nội, đứng vào vị trí thí sinh.
Nhưng lo vì thật sự áp lực từ kỳ vọng của gia đình, bạn bè, thầy cô... Cả ngày em ăn nửa chén cơm, thậm chí không ăn cũng tỉnh bơ, chẳng thấy đói...”.