Việc tự học, với Yến cũng rất quan trọng, đây cũng là kinh nghiệm quý giá nhất của em trong suốt 12 năm qua.
“Lúc nào em cũng tự nhủ, việc học đối với mình quan trọng hàng đầu và học bao nhiêu cũng chưa đủ; cần làm chủ kiến thức của mình, chủ động biến những kiến thức sách vở thành của mình mà không phải sao chép máy móc” – Yến tâm sự.
Cũng theo Yến, tự học cũng phải có phương pháp chứ không phải chăm chăm học vẹt, học thuộc.
Ví dụ, khi học về di truyền, em không học từng loại một mà sẽ kẻ bảng để so sánh các loại đó với một số đặc điểm như nguyên nhân, biểu hiện kiểu gen, kiểu hình, ý nghĩa, tác hại,…Điều này vừa giúp nhớ lâu mà có ích trong khi làm bài, giúp bài làm thuyết phục hơn nhiều khi có tư duy so sánh.
“Học không được giấu dốt” - Yến khẳng định. Chỗ nào chưa hiểu hay còn thắc mắc em sẽ hỏi luôn thầy cô ở trên lớp hoặc những bạn học khá môn đó. Về nhà mà không hiểu thì hỏi bố mẹ, anh chị... Thậm chí, có những vấn đề chưa rõ, em đã ghi ra lề vở để buổi sau đến lớp nhờ thầy cô giảng lại.
Điều này đòi hỏi phải mạnh dạn và ý thức được kiến thức của mình, nếu không sẽ có những khoảng trống kiến thức không bao giờ có thể lấp đầy được.
Tự học, với Yến cũng là chăm chỉ đọc sách. Nhưng không phải quyển nào cũng đọc, trang nào cũng nắm rõ nội dung mà cần lựa chọn phần nào phù hợp với mục đích học và lứa tuổi.
Kiến thức nơi những trang sách ngoài nhà trường không chỉ giúp mở rộng tầm hiểu biết mà còn củng cố kiến thức cơ bản đã học cho ta rất nhiều.
Yên cũng nhấn mạnh việc “học đi đôi với hành”, chẳng hạn, Ngoại ngữ cần tích cực giao tiếp với người người nước ngoài, học Văn hãy cần cù luyện viết những bài văn nhỏ, những bài báo nhỏ; Hóa học hãy chăm chỉ xuống phòng thí nghiệm,…
“Nếu chỉ học một cách gượng ép thì rất khó để có được kết quả như mong đợi. Muốn thành công, cần dành thật nhiều tình yêu cho việc học” - Yến bày tỏ.